MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Được vay vốn lãi suất ưu đãi, giáo dục tư thục đã có động lực “hồi sinh”. Ảnh: Hải Nguyễn

Cơ sở mầm non tư thục mong mỏi nguồn vốn nhanh về để sớm "hồi sinh"

Vân Trang LDO | 02/05/2022 19:09

Quyết định chính thức của Chính phủ về việc cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được vay vốn lãi suất thấp đã giúp nhiều cơ sở mầm non tư thục có động lực "hồi sinh". Ngay lúc này, điều các chủ trường mong mỏi nhất là nguồn vốn sớm về tay.

Động lực để "hồi sinh"

Trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 vừa qua, ngành giáo dục đã chịu nhiều thiệt hại, đặc biệt phải kể đến hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Theo đó, hàng ngàn cơ sở phải dừng hoạt động trong thời gian dài, cơ sở vật chất bị xuống cấp, đồ dùng hư hỏng nhưng không có kinh phí để tu sửa. Thậm chí, do không đủ nguồn lực và điều kiện để tiếp tục vận hành, nhiều cơ sở buộc phải đóng cửa.

Vì vậy, với các chủ trường, Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng về tín dụng ưu đãi với các cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được ban hành rất kịp thời và nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là mầm non tư thục.

Đã từng dốc cạn tâm lực đầu tư và phát triển 4 cơ sở mầm non, nhưng dịch bệnh khiến cô Nguyễn Thị Hiếu - chủ cơ sở Mầm non Golden Kids (Long Biên, Hà Nội) phải đóng cửa 2 nơi do ngân sách kiệt quệ. Hiện tại, cô Hiếu mới đủ sức vực dậy một cơ sở, còn lại vẫn đang trong quá trình tu sửa và chờ vốn đầu tư. Vì vậy, gói tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã tiếp thêm động lực cho cô "hồi sinh" trường lớp.

"Khi nhận được thông tin, bản thân tôi và các chủ trường khác rất vui mừng vì nhận được sự quan tâm kịp thời của Chính phủ. Trong suốt 2 năm qua, chúng tôi không có doanh thu do không có nguồn thu từ học phí, trong khi đó vẫn phải trả tiền thuê nhà, mặt bằng...

Đặc biệt, khi mở cửa trở lại, chúng tôi tiếp tục đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ kinh phí để duy trì hoạt động, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế... Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng và biết ơn sự giúp đỡ kịp thời từ Chính phủ" - cô Hiếu nói.

Hy vọng nguồn vốn nhanh về tay

Ngay sau khi nhận được thông báo chính thức về việc vay vốn ưu đãi, cô Tiêu Thị Trang - chủ cơ sở mầm non Sun Village (Hà Đông, Hà Nội) đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả và đảm bảo trung thực. Cô Trang dự tính sắm sửa đồ dùng học tập cho tất cả các lứa tuổi từ 1-5; sang sửa cơ sở vật chất như sơn lại trường, làm lại sàn gỗ bị hỏng; mua thêm vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19...

Tuy nhiên, những hạng mục này cần đầu tư nhanh chóng để các cơ sở phục hồi và đi vào hoạt động. Vì vậy, chủ cơ sở mầm non Sun Village mong mỏi sớm giải ngân nguồn vốn.

"Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là nhận được sự hỗ trợ từ các cấp về việc làm thủ tục, giấy tờ để nhanh chóng nhận được tiền vay vốn. Từ đó, chúng tôi có động lực hồi phục kinh tế, trang bị cơ sở vật chất đón các con trong an toàn đủ đầy và hạnh phúc" - cô Trang mong mỏi.

Cô Nguyễn Thị Ly - chủ nhóm trẻ độc lập tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng khẳng định, giai đoạn này ai cũng khó khăn và cần chi phí đầu tư. Vì vậy, sau 2 năm cố gắng chờ đợi hỗ trợ, giờ đây cô chỉ mong thủ tục tối giản, tiền nhanh chóng về tay để sớm phục hồi.

Chia sẻ về mong mỏi lớn nhất hiện nay, cô Nguyễn Thị Hiếu - Chủ cơ sở Mầm non Golden Kids cũng bộc bạch: "Trong thời gian tới chúng tôi muốn được nâng hạn mức cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập. Bởi vì, số tiền 80 triệu vẫn chưa giải quyết được nhiều so với những khó khăn chúng tôi phải trải qua".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn