MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện tượng phụ huynh phải viết đơn cam kết cho con không thi lớp 10 công lập đã diễn ra nhiều năm nay tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

“Con tôi vẫn trách sao bố mẹ ký đơn cho con không thi lớp 10”

Huyên Nguyễn LDO | 21/04/2022 11:59

Nhà cách trường THPT chỉ 100m nhưng vì lỡ ký đơn cho con không thi lớp 10 nên vợ chồng chị Lê Huyền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chấp nhận để con đi học trường nghề cách nhà vài chục cây số. Mỗi ngày thấy con tất bật đi học, cả đi cả về mất 3-4 tiếng ngồi xe buýt, lòng người mẹ lại thấy xót xa.

3-4 tiếng ngồi xe buýt để đi học

Mấy ngày nay, chị Lê Huyền cảm thấy lo lắng, xen áy náy khi cậu con trai lớp 10 vừa bị tai nạn xe máy mà một phần nguyên nhân xuất phát từ việc cháu phải đi học xa. Chị kể, năm 2021, con trai lớn của chị học lớp 9 tại một trường THCS tại quận Hoàng Mai. Một lần, gia đình chị được cô giáo mời lên họp phụ huynh. Nội dung cuộc họp cô giáo chia sẻ về lực học của cháu và khuyến cáo gia đình nên viết đơn không thi lớp 10 công lập và rút hồ sơ về vì nếu có cố thi cũng không đỗ tốt nghiệp đâu.  

Lo sợ vì “mặt mũi” gia đình, nên chồng chị đã vội vàng viết và nộp đơn luôn cho con mà không bàn bạc lại.

“Đấy là một điều mà sau này chúng tôi áy náy mãi. Thay vì Trường THPT Hoàng Văn Thụ chỉ ở cách nhà 100m thì giờ đây cháu phải đi học một trường nghề mà vừa đi vừa về gần 50km/ngày, mỗi ngày phải đi xe buýt đến 3-4 tiếng. 12h vào học thì con phải đi từ 9h30. Đến khi bố mua cho chiếc xe máy 50cc để đi thì bị ngã, khâu mấy mũi…”, chị Huyền bật khóc nức nở khi kể lại với Lao Động.

Chị Huyền cho hay: “Đến giờ, cháu vẫn trách bố mẹ là nếu bố để cho con thi thì con đã không phải khổ như vậy. Năm ngoái, Trường THPT Hoàng Văn Thụ thông báo tuyển 675 chỉ tiêu mà có 720 nguyện vọng 1. Tôi được biết sau đó chỉ có vài cháu bị trượt. Nếu con tôi thi thì có thể, cháu sẽ nằm trong số trúng tuyển”.

Chia sẻ thêm về thực trạng này, phụ huynh cho biết: “Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho cháu đi học dân lập. Trong nhóm học sinh bị gọi lên viết cam kết cùng con chị thì chỉ có vài cháu đi học dân lập còn đa số nghỉ học luôn. Mới học hết lớp 9 thì các cháu biết làm gì đây? Một số bạn còn bị nghiện”.

Trẻ không đáng bị áp lực

Chưa dừng lại ở đó, cũng trong tuần qua, con gái chị Huyền đang học lớp 8 về nhà cũng kể với mẹ về chuyện các bạn có lực học chưa tốt đang rục rịch chuyển trường vì không chuyển thì lại rơi vào cảnh bị “đuổi khéo” hay không cho thi vào lớp 10 công lập.

“Mấy ngày nay, con gái lớp 8 của tôi suốt ngày thúc mẹ hỏi cho con trường nào để con chuyển đi chưa. Tôi và cháu rất hoang mang. Việc những năm qua, cứ đến cuối lớp 8 hay trong năm học lớp 9, các bạn tốp dưới của lớp đều được “truyền thông” về việc viết đơn cam kết không thi lớp 10 hoặc đề nghị chuyển trường khiến các con không thể tập trung học. Thực sự bức bối, điều này gây một tâm lí chán nản cho các con. Lứa tuổi mà các con đáng ra không phải chịu”, chị Huyền nói.

Lần này, chị Huyền lo lắng thực sự bởi gần đây quá nhiều vụ việc đau lòng khi các con bị áp lực học hành mà làm điều dại dột.

“Trước đó, chồng tôi có nói với con gái là “liệu mà học đừng để giống anh, rồi gia đình có lời qua tiếng lại. Con bé vùng lên: “Bố để cho con học. Bố muốn con sống hay con chết cho bố vừa lòng” – chị Huyền kể lại.

Theo chị, bệnh thành tích làm cho trẻ bị tổn thương. Học sinh học 4 năm thì quyền của cháu là được thi lớp 10 công lập. Việc núp bóng tự nguyện viết đơn nhưng lại kèm theo khuyến cáo không viết thì thi cũng không đỗ tốt nghiệp đâu khiến nhiều phụ huynh sợ và phải đồng ý luôn. “Hành vi này khiến các học sinh có nhìn nhận méo mó về cuộc sống, mất niềm tin vào xã hội. Con tôi vẫn hỏi mẹ ơi, tại sao các bạn học yếu thì cô không kèm mà nhăm nhăm đuổi các bạn đi là thế nào? Tôi chỉ ngậm ngùi khuyên con an tâm học tập”, chị Huyền chia sẻ.

Một phụ huynh khác cũng chia sẻ câu chuyện tương tự và cho biết nhà trường đưa ra thêm 1 lựa chọn là nếu không chọn phương án chuyển trường hay viết đơn xin không thi thì phải đi học cùng con.

“Nhà trường thêm phương án là nếu nhất quyết muốn cho con thi lớp 10 công lập thì vào buổi tối phụ huynh phải cùng con đi học đến 21h tại trường. Như vậy thì cũng rất khó vì phụ huynh còn phải đi làm, buôn bán kiếm sống”, phụ huynh cho hay.

Trước đó, Báo Lao Động đã từng nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh ở Hà Nội về việc họ đang rơi vào cảnh "muốn con được thử sức trong cuộc đua vào lớp 10 trường công nhưng bị ép không được tham gia thi”.

Giáo viên chủ nhiệm thường gặp phụ huynh có con có học lực không tốt để đề nghị chuyển trường hoặc cam kết không thi lớp 10. 

Phụ huynh dù bức xúc, nhưng buộc phải lựa chọn: Nếu không làm đơn tự nguyện thì sợ con không được tốt nghiệp, có thể phải học lại 1 năm.

Có phụ huynh được giáo viên nói thẳng là con có học lực kém, nếu thi vào lớp 10 thì điểm sẽ rất thấp, ảnh hưởng chung đến thành tích của nhà trường. Vì mong con được tốt nghiệp THCS để xin vào trường dân lập, nên phụ huynh đành chấp nhận ký vào đơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn