MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, suy nghĩ, hành động. Ảnh: Istock

Cùng con vượt qua cơn trầm cảm tuổi dậy thì

Thiều Trang LDO | 04/04/2022 18:09

Phụ huynh nên chú trọng đến sức khỏe của chính bản thân mình, đảm bảo sức khỏe tâm thần ổn định để có thể đồng hành cùng con. Đặc biệt, học cách lắng nghe, thấu hiểu, tạo sự gần gũi, gắn bó với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn, tránh mắc trầm cảm tuổi dậy thì.

Dấu hiệu cần chú ý

Theo bác sĩ  Trần Hoàng Tiến - Học viện Quân y, trầm cảm ở trẻ em dưới 12 tuổi rất hiếm gặp. Tuy nhiên, độ tuổi từ 14 trở lên không phải hiếm gặp, những bệnh nhân này có tất cả các triệu chứng của trầm cảm, nhưng có một số đặc điểm khác biệt sau:

- Khí sắc bị kích thích, bệnh nhân hay biểu hiện cáu gắt vô cớ. Tình trạng này không kéo dài nhưng lặp đi lặp lại trong nhiều ngày.

- Trí nhớ kém, đặc biệt là trí nhớ gần. Đây là hậu quả của việc giảm khả năng tập trung chú ý. Chính trí nhớ kém khiến bệnh nhân có kết quả học tập sút kém rõ ràng.

- Ý định và hành vi tự sát. Các bệnh nhân này có ý định tự sát thường ập đến một cách bất ngờ, bệnh nhân có các hành vi tự sát mà không chuẩn bị trước. Bệnh nhân có xu hướng tự sát là sử dụng thuốc liều cao hoặc chất độc.

- Bệnh nhân có thể nghiện game online.

Về mặt điều trị, bác sĩ Tiến cho biết, khi phát hiện bệnh nhân có các dấu hiệu trầm cảm thì cần phải đưa đến các chuyên khoa tâm thần để được bác sĩ chẩn đoán và tiếp nhận các biện pháp điều trị như: Sử dụng thuốc trầm cảm; điều trị tâm lý kết hợp thuốc chống trầm cảm...

Đối với trầm cảm mức độ nặng hoặc bệnh nhân có ý định tự sát (là một cấp cứu chuyên khoa tâm thần) thì ngay lập tức phải đưa bệnh nhân vào viện.

Bàn rõ hơn về điều trị tâm lý, bác sĩ Tiến cho biết, liệu pháp phân tích tâm lý giúp bệnh nhân chấp nhận những thay đổi do rối loạn trầm cảm gây ra, liệu pháp giúp cho bệnh nhân dung nạp tốt với các tình huống chấn thương tâm lý và tự hiểu biết về các triệu chứng.

Cùng con vượt qua cơn trầm cảm tuổi dậy thì

Trao đổi với Lao Động, ThS. BS Thiều Thị Huyền Nhung - Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bản thân đã từng tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị trầm cảm. Mới nhất, BS Nhung vừa tư vấn cho 1 gia đình có con mắc COVID-19, đứa trẻ luôn trong tình trạng hoảng loạn, lo âu về rất nhiều vấn đề. Qua quá trình khám sàng lọc, kết quả chấm điểm trầm cảm rất cao. Tuy nhiên, khi tư vấn, cha mẹ không đồng ý với kết luận của bác sĩ và coi thường các dấu hiệu trầm cảm.

Cũng có những trường hợp đáng tiếc như bệnh nhân là trẻ vị thành niên bị trầm cảm, nhập viện do tự tử đã được cứu sống, bác sĩ cũng cảnh báo nhưng gia đình không phối hợp điều trị, quyết định đưa con về. Sau đó, đứa trẻ tiếp tục tìm cách tự tử và đã tử vong.

BS Nhung cũng cho biết, tỉ lệ rối loạn tâm thần ở người trưởng thành khá cao, có những ông bố bà mẹ bị rối loạn tâm thần nhưng không ý thức được. Và chính điều này đã tác động lên con cái, là yếu tố nguy cơ làm cho tình trạng rối loạn tâm thần ở đứa trẻ nặng hơn.

Vì vậy, BS Nhung cho rằng, việc quan trọng nhất bố mẹ cần làm là đảm bảo sức khỏe tâm thần bản thân tốt. Bên cạnh đó, cần có kiến thức về sức khỏe tâm thần nhất định để kịp thời nhận biết dấu hiệu bệnh của con để can thiệp y tế kịp thời. Theo đó, trầm cảm có rất nhiều giai đoạn, mức độ khác nhau, bệnh nhân nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng bệnh nhân nặng cần sự can thiệp của y tế.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần trở thành người bạn đồng hành của con, luôn luôn động viên, ủng hộ để con có cảm giác an toàn, giảm nỗi tuyệt vọng khi gặp khó khăn.

"Các ông bố bà mẹ khi thấy con xuất hiện dấu hiệu trầm cảm nên gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn, đưa ra các phương pháp để hỗ trợ bệnh nhân. Nếu cần thiết, trẻ sẽ được trị liệu tâm lí, được cung cấp các kỹ năng thư giãn, giảm căng thẳng.

Với những trẻ trầm cảm nặng, rối loạn sinh hóa não không thể cân bằng cần sự can thiệp thuốc, sự điều trị của y tế" - BS Nhung nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn