MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sĩ số học sinh tăng cao khiến ngành GDĐT khó đảm bảo được tỉ lệ phòng học/10.000 dân theo quy định. Ảnh: Huyên Nguyễn

Đất bỏ hoang nhiều năm nhưng địa phương không thể xin để xây trường học

HUYÊN NGUYỄN LDO | 02/03/2023 15:52

TPHCM - Tại một số quận huyện khác ở TPHCM khi có không ít dự án đã bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích nhiều năm qua nhưng lại khó để thu hồi để xây trường học.

Khó thu hồi đất

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) trên địa bàn trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025 do UBND TPHCM tổ chức ngày 2.3.

Phó Chủ tịch UBND Quận 12 Võ Thị Chính nêu khó khăn về những quy định đầu tư công có thủ tục rất phức tạp, quỹ đất hạn chế. Dù quận đã kiến nghị thành phố (TP) thu hồi 14 khu đất không sử dụng, khu thì đất bỏ hoang cỏ mọc, không đúng mục đích... nhưng đến nay chưa có kết quả do khó khăn về thủ tục.

Bà Võ Thị Chính - Phó Chủ tịch UBND Quận 12. Ảnh: Huyên Nguyễn

Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đề xuất TP tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có năng lực phù hợp được đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; kiến nghị tận dụng thêm tầng cao công trình để tăng diện tích sân chơi, tăng hệ số sử dụng đất…

Đại diện Quận 4, Gò Vấp, Bình Thạnh... kiến nghị TP có chế độ, chính sách ưu tiên trong giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư các dự án xây dựng trường mới theo quy hoạch đã duyệt.

Thiếu phòng học, học sinh hai lớp 8 của Trường THCS Nguyễn Thị Thập (Quận 7) từng phải học trong phòng học tạm bợ. Ảnh: PHCC

UBND Quận 7, Quận 10, Bình Thạnh, Tân Phú,... cũng nêu trong điều kiện hiện nay, rất khó để thu hồi diện tích đất đủ lớn xây dựng trường học theo đúng quy chuẩn nên kiến nghị Bộ GDĐT điều chỉnh quy chuẩn, tận dụng chiều cao công trình, tăng hệ số sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm quỹ đất. Cần điều chỉnh cách tính chuẩn diện tích/học sinh bằng diện tích sàn xây dựng/học sinh trong khu vực đô thị không có quỹ đất chứ không phải tính diện tích đất/học sinh như hiện nay.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Lê Hoài Nam, tính đến tháng 12.2022, TP đã có 12/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). 10 quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu.

 Biểu đồ: Huyên Nguyễn 

Về xây dựng kế hoạch đến năm 2025 thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân, còn 3 quận vẫn chưa đạt gồm Quận 4 (289 phòng), Quận 12 (240 phòng), Gò Vấp (220 phòng). Tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu không đồng đều giữa các cấp học, tỉ lệ thực hiện cấp tiểu học và THCS đạt thấp.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 theo thực tế nhu cầu, toàn TP cần bổ sung 14.097 phòng học ở tất cả các cấp nhưng thực tế chỉ đưa vào sử dụng được 6.115 (đạt 43,38%) dẫn đến điều kiện đảm bảo chỗ học đáp ứng nhu cầu và đạt theo quy chuẩn luôn là áp lực lớn.

Lãnh đạo nhìn nhận đến năm 2025, nhiều mục tiêu đề ra cũng khó thực hiện được.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức. Ảnh: Hoàng Chung

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng cần tìm cách giải quyết các khó khăn, vướng mắc bởi để càng lâu thì càng trầm trọng hơn. Một số ràng buộc vượt trên thẩm quyền của TP thì cần đưa ra dẫn chứng thuyết phục, cụ thể, đề xuất mạnh mẽ, quyết liệt, đeo bám. Liên quan đến vấn đề quỹ đất cho giáo dục mà hầu hết các địa phương kiến nghị, ông Đức yêu cầu các đơn vị, sở ngành cần cùng nhau rà soát lại, đặc biệt là quỹ đất dành cho giáo dục trong các dự án nhà ở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn