MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh trải nghiệm đánh trống ghi năng, múa Chăm trong trang phục Chăm. Ảnh: Nguyễn Văn Lực

Dạy nội dung giáo dục địa phương gắn với di tích lịch sử văn hóa

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 04/05/2022 10:00

Nội dung giáo dục địa phương là một trong những môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với môn học mới “Nội dung giáo dục địa phương” được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương biên soạn tài liệu, kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp tình hình từng địa phương, vùng miền. Đây là một điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình mở, giúp các địa phương chủ động lựa chọn nội dung giảng dạy thích hợp, thiết thực với điều kiện thực tế.

Nội dung giáo dục địa phương lớp 6 bao gồm: Ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, mỹ thuật… của địa phương được đưa vào kế hoạch giáo dục với 35 tiết/35tuần/năm.

Riêng phần lịch sử địa phương là 6 tiết/năm. Khi dạy về lịch sử địa phương lớp 6, nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm tại các di tích, danh lam thắng cảnh để học sinh có cái nhìn thực tế hơn. Đây là phương pháp dạy học hiệu quả nhất. Học sinh rất hứng thú khi được trải nghiệm thực tế ở các di tích vì “trăm nghe không bằng một thấy”.

Dạy nội dung giáo dục địa phương cho học sinh qua hoạt động tham quan, trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu Tháp Bà Ponagar (Nha Trang-Khánh Hòa). Ảnh Nguyễn Văn Lực

Khánh Hòa là một trong những địa phương trong cả nước đưa việc dạy nội dung giáo dục địa phương gắn liền với di tích lịch sử văn hóa rất hiệu quả, bổ ích. Nhiều trường ở Khánh Hòa như: THCS Trịnh Phong, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Âu Cơ…. tổ chức cho học sinh và thầy cô giáo của trường tham quan, trải nghiệm, dạy học tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng (Di tích, danh thắng cấp quốc gia).

Điểm nhấn trong chương trình, nội dung giáo dục địa phương ở Khánh Hòa là học đi đôi với hành, ngoài việc tìm hiểu về lý thuyết học sinh được trải nghiệm thực tế tại di tích như: Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng (Nha Trang), thành cổ Diên Khánh, miếu thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần quý Cáp (Diên Khánh)….

Cụ thể, tại di tích Tháp Bà Ponagar học sinh được tập làm thuyết minh – hướng dẫn viên giới thiệu về: Mandapa (Tháp chính); thuyết minh về tín ngưỡng Thiên Y A Na; thuyết minh về truyền thuyết Mẹ xứ Sở; tập làm diễn viên múa Chăm, tập làm nghệ nhân làm gốm, dệt thổ cẩm Chăm; đánh trống ghi năng, trống paranưng, thổi kèn saranai sau khi được hướng dẫn viên, nghệ nhân giới thiệu và hướng dẫn. Tại danh thắng Hòn Chồng, các em còn được trải nghiệm làm nghệ sĩ sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống: thổi sáo, đánh đàn nguyệt, gảy đàn bầu, kéo đàn cò…đầy hứng khởi, thiết thực và bổ ích.

Sau khi trải nghiệm, các em tự viết lại cảm nghĩ hay vẽ lại những bức tranh thể hiện cảm nhận về di sản văn hóa địa phương mình. Đó được xem là những sản phẩm để thầy cô nhận xét, đánh giá rất chân thực.

Đây là phương pháp dạy học gắn với thực tế hiệu quả, tạo hứng thú học tập cho học sinh và đúng với triết lý viết sách giáo khoa “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, các em càng thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào truyền thống, lịch sử dân tộc…. Dạy nội dung giáo dục địa phương gắn với di tích lịch sử văn hóa cần được duy trì phát huy ở các trường học tại các địa phương khác trên cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn