MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bàn giao phòng học cho tập thể giáo viên và học sinh dân tộc Vân Kiều tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Lê Phi Long

Đề xuất dạy và học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước lớp Một

Hoàng Quang LDO | 19/07/2023 15:11

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư quy định về việc dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một. Trong đó, có quy định về tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ.

- Dự thảo Thông tư quy định xây dựng kế hoạch dạy học tiếng việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một:

1. Thời lượng, thời gian: thực hiện không quá 80 tiết học, tối đa là 01 tháng thực học trong thời gian hè (tháng 7, 8 hàng năm), trước khi trẻ học chương trình lớp Một. Các địa phương tùy tình hình thực tế để bố trí thời gian hợp lí.

2. Phân phối thời gian dạy học: Tùy vào điều kiện về lớp học, giáo viên, đối tượng trẻ em và điều kiện sống ở từng địa phương, Hiệu trưởng và bộ phận chuyên môn lập kế hoạch chi tiết về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

3. Căn cứ yêu cầu, mục tiêu cần đạt và kế hoạch chi tiết về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với tình hình thực tế của lớp mình, trình Hiệu trưởng phê duyệt để thực hiện.

- Dự thảo Thông tư quy định việc chuẩn bị điều kiện thực hiện:

1. Về cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học:

a) Địa điểm học tập tại trường tiểu học: tại điểm trường chính hoặc tại các điểm trường lẻ của trường tiểu học đảm bảo thuận tiện đi lại, an toàn và phù hợp với tâm sinh lí của trẻ;

b) Lớp học phải bảo đảm vệ sinh, an toàn, thoáng mát, đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp, đúng quy định, có đủ nước sạch; không gian thân thiện có góc văn hóa địa phương, góc bổ trợ học ngôn ngữ….

c) Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng dạy học, các trang thiết bị, tài liệu giảng dạy phục vụ cho việc dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một đảm bảo hiệu quả chất lượng.

2. Về giáo viên:

a) Bố trí giáo viên tham gia dạy tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp Một, ưu tiên những giáo viên có năng lực tốt, có tay nghề vững vàng, biết tiếng dân tộc và am hiểu văn hóa dân tộc của trẻ;

b) Giáo viên được tập huấn về nội dung và phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai để chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ, bồi dưỡng tiếng dân tộc (tiếng mẹ đẻ) của trẻ.

- Về yêu cầu đối với hoạt động dạy và học:

1. Thiết kế các bài học theo các hoạt động cơ bản gồm: Hoạt động 1: khởi động, kết nối; Hoạt động 2: khám phá, luyện tập; Hoạt động 3: vận dụng, trải nghiệm.

2. Đa dạng hóa các hoạt động dạy và học (hoạt động dạy học từ và câu; hoạt động đóng vai và tham gia trò chơi học tập; hoạt động múa hát, đọc thơ, vè và đồng dao; hoạt động tô, vẽ tranh; hoạt động kể chuyện….) thông qua các hình thức tổ chức khác nhau (làm mẫu, thực hành, trải nghiệm…) nhằm nâng cao hiệu quả dạy học.

3. Linh hoạt trong quá trình tổ chức các hoạt động cho trẻ, trong việc sử dụng ngữ liệu dạy học, đồ dùng dạy học phù hợp với điều kiện và tâm lí trẻ. Sau mỗi tiết dạy cho trẻ nghỉ chuyển tiết, thời gian nghỉ chuyển tiết từ 5- 10 phút. Một buổi dạy tối đa 120 phút.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn