MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ tại Hội thảo chủ đề "Hướng nghiệp cho con: Bắt đầu trước khi quá muộn". Ảnh: H.N

Định hướng nghề nghiệp cho con thế nào khi sở thích liên tục thay đổi?

Huyên Nguyễn LDO | 02/07/2022 18:18
Sở thích có thể thay đổi nhưng khi đã yêu thích, dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thì sở thích đó sẽ trở thành đam mê. Nếu trẻ có đam mê với nghề nghiệp nào đó, đã biết những khó khăn, áp lực, mặt trái của nghề nhưng vẫn yêu thích và quyết tâm theo đuổi thì phụ huynh có thể tin tưởng.

Sở thích liên tục thay đổi

Chọn ngành học cho con theo sở thích hay địa vị xã hội của ngành nghề luôn là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Không ít người áp đặt con chọn ngành nghề A, B khi thấy bạn bè, người thân xung quanh làm những ngành nghề đó và có thu nhập cao, có vị thế tốt. Thậm chí nhiều người khi mới sinh con đã đi xem tử vi hoặc thịnh hành hơn trong 5 năm gần đây là sinh trắc học vân tay và mới nhất là phân tích tần số học, giải mã gene để xem tương lai, thế mạnh, thiên hướng nghề nghiệp của con.

“Tôi đều đã tham khảo và thử làm các phân tích này nhưng dưới góc nhìn khoa học, đây không phải là những công cụ để hướng nghiệp” - TS Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Song ngữ quốc tế Canada (BCIS) chia sẻ tại hội thảo chủ đề “Hướng nghiệp cho con: Bắt đầu trước khi quá muộn”.

Theo bà Huyền, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục con để con tự quyết định nghề nghiệp trong tương lai của mình trên cơ sở phân tích khoa học: năng lực của con, hứng thú, sự yêu thích và nhu cầu của thị trường.

Tại hội thảo, nhiều phụ huynh băn khoăn khi con thích nhiều thứ, về năng lực con cũng không có gì đặc biệt.

Nhiều phụ huynh quan tâm tới việc sở thích của con liên tục thay đổi. Ảnh: H.N 

Anh Ngô Hùng Cường, phụ huynh học sinh lớp 9 ở TPHCM bày tỏ lo lắng khi sở thích của con mình thay đổi theo thời gian. Lúc trước, con gái mê truyện Conan nên thích làm cảnh sát điều tra nhưng sau lại thích làm nhà văn, hiện con đang học Văn rất tốt, là học sinh giỏi Văn của trường nhưng lại đột ngột muốn chuyển sang môn Toán. Trong khi hiện nay con đã lên lớp 9, cần ổn định hướng nghiệp.

Thực tế, nhiều phụ huynh bối rối khi sở thích của con thay đổi theo thời gian. Nhưng theo nữ hiệu trưởng đây là điều rất bình thường.

“Phụ huynh và cả con trẻ hãy hiểu và chấp nhận những mong muốn, sự yêu thích này có thể thay đổi theo thời gian. Tiểu học con có thể thích làm giáo viên, bác sĩ nhưng lên cấp 2 muốn làm phóng viên, lên lớp 11, 12 con lại nghĩ khác, có đam mê khác. Điều này hoàn toàn bình thường, phụ huynh không cần quá lo lắng vì kể cả người lớn, khi đi làm chúng ta vẫn có thể thay đổi nghề nghiệp của mình”, TS Huyền chia sẻ.

Tiếp theo, bà Huyền lưu ý trẻ cần biết những phẩm chất, tài năng, giá trị mà mình có và mong muốn theo đuổi. Trẻ sống tình cảm, hài hước, lạc quan cũng là thế mạnh. Nữ tiến sĩ chia sẻ trường hợp một phụ huynh từng kể rất lo khi con mình không biết lo xa, tới đâu thì tới, hời hợt nhưng thực ra đó đó cũng là điểm mạnh. Với tính cách như vậy, bạn ấy có thể thích nghi với những thay đổi, vững vàng trước khó khăn, thử thách.

Cho con trải nghiệm thực tế

TS Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng khi con trẻ bày tỏ sự yêu thích với nhiều lĩnh vực khác nhau, không có cách nào tốt hơn là cho con trải nghiệm thực tế với những lĩnh vực đó.

Nếu con thích làm nghề sáng tạo nội dung trên các nền tảng Youtube, Tiktok phụ huynh hãy đưa con đến gặp những người làm trong lĩnh vực đó để con hiểu là đằng sau sản phẩm, lượt view hàng triệu đó là những khó khăn gì, con phải đối mặt với những áp lực nào. Nếu con thích múa, hát hãy cho con gặp nhạc công, vũ công để họ chia sẻ về môi trường làm việc, năng lực cần có… Phụ huynh hãy tích cực cho con trải nghiệm và ghi nhận những điều con yêu thích cũng như năng lực mà con có. Tất nhiên việc này diễn ra càng sớm càng tốt để con có thời gian trải nghiệm, suy nghĩ, lựa chọn.

Về thời điểm nào bắt đầu hướng nghiệp cho con là tốt nhất, TS Thu Huyền chia sẻ thực tế nhiều phụ huynh chờ khi con đến THPT, thậm chí lớp 12 mới bắt đầu nghĩ đến những ngành, nghề mà con dự định sẽ học, sẽ làm trong tương lai. Sự thiếu hụt về thời gian chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng nền tảng, thiếu hụt thông tin nghề nghiệp, khiến không ít học sinh không đặt chân vào được các trường đại học như mục tiêu đặt ra hoặc không theo đuổi được nghề nghiệp như mơ ước.

Do đó, việc hướng nghiệp là cả một quá trình, phụ huynh nên bắt đầu sớm, có thể từ cấp tiểu học bằng việc cho con những hình dung, ý niệm về các ngành nghề khác nhau và trải nghiệm dần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn