MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ sở mầm non đã sẵn sàng đón trẻ đi học trở lại. Ảnh: NTCC

“Đỏ mắt” tìm trường mầm non cho con đi học trở lại

Tường Vân LDO | 11/04/2022 11:00

Thời điểm Hà Nội cho phép trường mầm non trên địa bàn thành phố mở cửa trở lại cũng là lúc các bậc phụ huynh có con đi mẫu giáo lại chạy đôn chạy đáo, "đỏ mắt" tìm chỗ gửi trẻ vì trường học của con đã giải thể.

Phụ huynh tất tả tìm trường mầm non cho con

“Hà Nội cho trẻ mầm non đi học lại vào ngày 14.3 nhưng tôi chưa tìm được chỗ học mới cho con. Trường cũ đã giải thể rồi” – đó là tâm sự của chị Ngọc Minh, phụ huynh có con 3 tuổi ở quận Hoàng Mai khi được hỏi về việc trở lại trường của con. Không chỉ chị Minh, rất nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, khi sau 1 năm nghỉ dịch, trường học của con bỗng dưng “biến mất”.

Hà Nội là một trong những địa phương cho trẻ mầm non nghỉ dài nhất cả nước. Dịch bệnh kéo dài đã khiến hàng nghìn cơ sở giáo dục mầm non tư thục rơi vào cảnh kiệt quệ về tài chính. Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến cuối tháng 2.2022, trên 500 trường mầm non tư thục phải giải thể do tác động của đại dịch COVID-19.

Nhận được thông báo trường học giải thể do không còn đủ năng lực tài chính, chị Minh và các phụ huynh khác không khỏi ngỡ ngàng, bùi ngùi và tiếc nuối. Chị kể, thời gian đầu nghỉ dịch, các cô vẫn cố gắng tương tác với các con để các con không quên trường lớp. Rất nhiều phụ huynh vẫn kiên định đợi ngớt dịch sẽ cho con quay lại trường.

“Chẳng còn cách nào khác ngoài việc đi tìm cho con một môi trường học tập mới. Tiêu chí tôi đưa ra là gian lớp sạch sẽ, rộng rãi, các cô yêu trẻ, lớp học sĩ số không quá đông và có camera. Bên cạnh đó, cần có chương trình dạy học, rèn luyện cho con chứ không đơn thuần trông trẻ. Chi phí gia đình có thể chi trả là từ 4-5 triệu đồng mỗi tháng bao gồm cả tiền ăn. Việc chọn trường rất khó khăn. Trường ưng thì học phí vượt mức có thể chi, trường trong hạn mức thì chưa thực sự đáp ứng các tiêu chí đưa ra” – chị Minh chia sẻ.

Chị Mai Trang (quận Hoàng Mai) cũng vô cùng bất ngờ khi nhận được thông báo, sẽ có 1 chủ đầu tư khác mua lại trường mầm non nơi con đang theo học, đổi tên và thay đổi toàn bộ giáo viên và chương trình. Nếu phụ huynh có nhu cầu vẫn có thể tiếp tục cho con theo học.

“Trường có chủ mới, học phí tăng cao so với trước kia, các cô giáo quen với con cũng không ở lại trường nên tôi không yên tâm cho con tiếp tục theo học ở đó. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ phải tìm môi trường khác phù hợp với con cũng như điều kiện kinh tế” – chị Trang nói.

Do dịch bệnh, hàng loạt cơ sở giáo dục mầm non tư thục rơi vào cảnh kiệt quệ đến mức phải rao bán trường Ảnh: Lan Nhi

Không dễ tìm trường

Nghe tin Hà Nội cho phép trường mầm non hoạt động trở lại vào ngày 13.4, chị Nguyễn Thanh Nhàn (huyện Thanh Oai) vội vã tìm trường cho con trai năm nay vừa tròn 3 tuổi.

Chị kể trước kia, con theo học tại 1 trường mầm non tư thục gần nhà. Sát ngày đi học, nhà trường thông báo đóng cửa cơ sở ở huyện Thanh Oai do khó khăn về tài chính, học sinh được chuyển sang các cơ sở khác nhưng vì xa quá, không tiện đưa đón nên gia đình chị không thể tiếp tục cho con theo học.

"Từ khi Hà Nội bùng dịch, tôi đã gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Nay Hà Nội cho phép trường mầm non mở cửa nên tôi đưa cháu lên này đi học và tiện chăm sóc.

Với tình hình này e rằng tôi phải gửi bé ở quê thêm một thời gian. Cả hai vợ chồng đi tìm suốt mấy ngày nay nhưng vẫn tịt mù, đến đâu cũng không ưng. Một số trường có tiếng thì đều đã đóng cửa hoặc chuyển địa điểm xa nhà, các trường mới mở gần nhà thì cảm thấy không yên tâm gửi gắm con” – chị Nhàn chia sẻ.

Đa số phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non đánh giá, việc tìm trường, tìm lớp cho con ở thời điểm này rất khó khăn bởi sau thời gian dài dịch bệnh, hồi đầu tháng 3, làn sóng “bán trường” ập tới, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đồng loạt “biến mất” hoặc đổi chủ, thay tên khiến phụ huynh rất khó khăn trong việc đánh giá, thẩm định chất lượng dạy học.

Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%. Cơ sở mầm non tư thục chao đảo, khánh kiệt vì dịch đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều trẻ nguy cơ thiếu chỗ học dù ngày đến trường đã cận kề. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn