MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trải nghiệm thực tế của sinh viên Khoa Viết văn, Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội để tham gia tác nghiệp vào hoạt động báo chí. Ảnh: NVCC

Đổi mới đào tạo báo chí trong thời đại kỷ nguyên số

Tường Vân - Trà My LDO | 20/06/2022 17:38

Trước xu thế phát triển của báo chí đa phương tiện, một nhà báo cần hội tụ nhiều kỹ năng, làm được nhiều việc, không chỉ viết báo, mà còn có thể có nhiều kỹ năng khác của phóng viên báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình... Làm thế nào để đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng để sinh viên ra trường vừa có tri thức và kỹ năng, vừa biết nhiều kỹ năng nghiệp vụ khác nhưng khác nhưng lại vẫn đảm bảo chuyên sâu là vấn đề đặt ra với các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay.

Từ thực tế….

Lịch sử tuyển sinh của một số cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Văn hoá Hà Nội… mức điểm chuẩn vào ngành báo chí hầu hết tăng mạnh. Thậm chí, có trường, thí sinh phải đạt hơn 9 điểm/môn mới trúng tuyển.

Chẳng hạn, năm 2021, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điểm trúng tuyển chuyên ngành Báo mạng điện tử theo tổ hợp R16 (Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Khoa học xã hội) là 27,19, tính theo thang điểm 30. Trung bình, mỗi môn phải đạt 9,06 điểm mới trúng tuyển.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi tuyển sinh đầu vào ngành báo chí luôn "hot", các cơ quan báo chí vẫn luôn có nhu cầu tuyển người, nhưng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành của các trường không cao. Không ít tân cử nhân báo chí đã "vỡ mộng" khi không đáp ứng nhu cầu của các cơ quan tòa soạn, không trụ được trong môi trường cạnh tranh, đào thải khốc liệt của các cơ quan báo chí chuyên nghiệp. 

PGS. TS Ngô Văn Giá - Giảng viên cao cấp của Khoa Viết văn- Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, những năm qua, ông đã được lắng nghe nhiều ý kiến phản hồi của các cơ quan báo chí, đơn vị tuyển dụng về chất lượng nguồn nhân lực. Phần lớn đều than phiền thực trạng sinh viên mới ra trường thiếu trải nghiệm thực tế, hạn chế trong nhận thức về nghề báo, trong giao tiếp với nguồn tin, với đồng nghiệp; thiếu hụt kỹ năng tác nghiệp (kỹ năng phỏng vấn, tiếp cận đề tài, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin...); bị ảnh hưởng, lệ thuộc vào những khuôn mẫu lập luận, hành văn đã có từ trước…

Sinh viên ra trường, gần như phải đào tạo lại từ những kỹ năng nghiệp vụ đơn giản nhất như gặp gỡ, phỏng vấn, ghi chép,… đến kỹ năng ứng xử trước những phản hồi của dư luận, sự nhạy bén về đề tài...

Đến đổi mới công tác đào tạo

Từ thực tế nêu trên, vấn đặt ra với các cơ sở đào tạo báo chí là làm thế nào để đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo đầu ra sinh viên vừa có tri thức và kỹ năng, vừa biết nhiều thứ nhưng lại chuyên sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn làm việc của các cơ quan báo chí chuyên nghiệp.

TS. Phan Văn Kiền, Phó viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, trong bối cảnh báo chí truyền thông đang phát triển theo nhiều xu hướng cùng lúc, các đơn vị đào tạo người làm báo cũng phải nỗ lực thay đổi để bắt kịp xu thế của thời đại.

Trải nghiệm thực tế của sinh viên Khoa Viết văn, Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội để tham gia tác nghiệp vào hoạt động báo chí. Ảnh: NVCC

Nếu như các ngành đào tạo cơ bản, tính hàn lâm, kinh viện là yếu tố quyết định uy tín và chất lượng của đơn vị thì với các ngành đào tạo khoa học ứng dụng như báo chí truyền thông, điều này là chưa đủ. Nếu cơ sở đào tạo báo chí không bám sát thị trường báo chí, vốn thay đổi từng ngày, thì ngay lập tức sẽ bị bỏ lại phía sau.

"Với tinh thần đó, từ lâu, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn chú trọng vào ba yếu tố cốt lõi: Chất lượng nguồn nhân lực; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy thực hành và chương trình đào tạo.

Bên cạnh các môn học cơ bản, nền tảng, nhà trường luôn dành một lượng tín chỉ nhất định cho việc thường xuyên thay đổi, cập nhật các môn học mới đáp ứng nhu cầu thay đổi của thực tiễn.

Đặc biệt, ngoài việc thường xuyên được học thực hành trên trường quay, phòng thu, sinh viên của Viện cũng thường xuyên được "đẩy" vào các cơ quan báo chí truyền thông để hành nghề ngay từ lúc đang học. Nhiều năm nay, Viện thực hiện mô hình "Vườn ươm", phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để cho sinh viên học nhiều môn học ngay tại cơ quan báo chí" - TS Phan Văn Kiền thông tin.

Gia tăng về thời lượng, độ khó, sự đa dạng các nội dung thực hành, thực tế theo từng năm; chú trọng cân đối giữa nội dung lý thuyết và thực hành, thực tế nhằm tạo cơ hội cho sinh viên được làm quen và dần nhập cuộc sâu với lao động nhà báo, hoạt động tòa soạn… cũng là cách Khoa Viết văn, báo chí (Trường Đại học Văn hóa hà Nội) áp dụng trong nhiều năm trở lại đây với mục đích nâng cai chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt kịp xu thế của báo chí hiện đại.

“Ở một số môn học trong chương trình đào tạo như: Phóng sự báo chí, Truyền thông quốc tế và báo chí đối ngoại..., các giảng viên cũng tổ chức những chuyến đi từ 1-3 ngày để tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm thực tế, tìm kiếm đề tài và cảm hứng sáng tạo.

Tuy nhiên, do nhiều lý do cả khách quan và chủ quan: Kinh phí, lịch học theo tín chỉ… những chương trình thực tế như vậy chưa được tổ chức một cách thường xuyên, liên tục, nhất là 2 năm trở lại đây thì gần như “đóng băng” do ảnh hưởng dịch COVID- 19" - TS Đỗ Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Viết văn, báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn