MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đừng tranh cãi tự chọn hay bắt buộc, hãy tìm cách để học sinh yêu Lịch sử

Thiều Trang LDO | 19/04/2022 11:44

Trước những tranh cãi về việc môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn ở cấp Trung học phổ thông (THPT), nhiều giáo viên cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử, xác định được năng lực và tiếp cận sâu với nguyện vọng nghề nghiệp mình yêu thích, gắn với môn học này.

Đừng tranh cãi, hãy tìm cách giải quyết

Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu triển khai đối với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12. Theo đó, môn Lịch sử sẽ chính thức thuộc nhóm môn lựa chọn.

Việc không bắt buộc học sinh học Lịch sử đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Và một trong những băn khoăn lớn nhất là liệu có ảnh hưởng đến yêu cầu giáo dục lòng yêu nước hay không?

Trao đổi với Lao Động, cô Trịnh Thị Hương - giáo viên Lịch sử cấp THPT tại Thanh Hóa cho biết, Lịch sử là môn học bắt buộc trong 9 năm học bao gồm bậc Tiểu học và THCS, đến bậc THPT trở thành môn lựa chọn thì nhiều giáo viên có chút bất ngờ và xen lẫn hụt hẫng. Tuy nhiên, sau khi xem xét và bàn luận thì giáo viên trong trường cho rằng đây chính là cơ hội và cũng là thách thức trong năm học mới.

"Nếu học sinh đã có nền tảng kiến thức Lịch sử vững chắc ở giai đoạn giáo dục cơ bản thì chúng tôi không có nhiều lo ngại. Lên bậc THPT, các em sẽ được thầy cô hướng dẫn lựa chọn môn, tổ hợp giúp các em xác định năng lực, tiếp cận sâu với nguyện vọng nghề nghiệp mình yêu thích.

Lúc bấy giờ, những em lựa chọn Lịch sử chắc chắn là những em có tình yêu hoặc đã xác định được công việc mà mình mong muốn gắn bó với môn học này. Đây là cơ hội để giáo viên chúng tôi truyền tải kiến thức và năng lượng đến học sinh có hứng thú học tập thực sự, giúp học sinh học tập hiệu quả và có cách nhìn tích cực hơn với môn Lịch sử. Tuy nhiên, cũng là thách thức lớn bởi chúng tôi không biết rõ có bao nhiêu em lựa chọn môn học này, liệu Lịch sử có bị "ra rìa"?" - cô Hương bày tỏ.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022-2023. Ảnh: LĐO

Hơn 25 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều giai đoạn đổi mới, cô Trịnh Thị Hương cho rằng, điều chúng ta cần làm hiện nay không phải là tranh cãi Lịch sử nên là môn chính hay môn lựa chọn. Việc quan trọng nhất là làm thế nào để học sinh yêu môn Lịch sử, giáo viên giữ lửa để tận hiến với nghề.

"Theo tôi, chương trình phải hay, sách phải tốt thì giáo viên mới có nhiệt huyết để dạy. Còn giáo viên phải thay đổi cách dạy học, cách tiếp cận vấn đề và nỗ lực trau dồi kỹ năng thì mới tạo được hứng thú học tập cho học sinh" - cô Hương nhấn mạnh.

Giáo viên thay đổi, học trò mới có thể thay đổi

Thay vì "học chay" những số liệu khô khan trong sách vở hay tự tưởng tượng ra những nhân vật lịch sử qua lời kể của thầy cô thì học sinh Trường Phổ Thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) đã được đắm chìm vào những câu chuyện lịch sử thông qua các phương tiện dạy học trực quan. Các em được trực tiếp tổ chức những buổi trò chuyện, chia sẻ từ chuyên gia, nhân chứng lịch sử… trong môn học này.

Mới đây, nhằm cung cấp cho học sinh cái nhìn thực tế về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai của nhân dân ta những năm 1954 - 1975, Trường Phổ Thông Liên cấp Olympia đã tổ chức dự án "Cuộc chiến trên bầu trời" đầy thú vị với sự tham gia của nhân vật đặc biệt là Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân - người trực tiếp tham gia chiến đấu và là phi công đầu tiên bắn hạ được “siêu pháo đài bay” B52 - một trong 3 vũ khí chiến lược và là niềm tự hào của quân đội Mỹ thời bấy giờ.

Theo cô Trần Vân Khánh - giáo viên Lịch sử nhà trường, đây là nỗ lực nhằm đổi mới phương pháp dạy và học của cô trò trong thời gian gần đây. Theo đó, môn Lịch sử có thể khó học, khô khan, nhưng nếu tiếp cận ở phương diện mới, những hoạt động mới thì giáo viên hoàn toàn có thể tạo hứng thú cho học sinh, giúp các con thay đổi cách nhìn với môn Lịch sử.

Học sinh Olympia học Lịch sử cùng Trung tướng Phạm Tuân. Ảnh: Quỳnh Trang

Thầy Nông Bình Dũng - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Hà Giang cũng cho rằng, học sinh cần được tạo hứng thú trong học tập, nhằm khơi dậy tinh thần ham học của các em. Bên cạnh đó, để học tốt môn học này, cả giáo viên và học sinh cần thay đổi phương pháp dạy và học.

“Điều quan trọng là người học có coi môn học này là môn khoa học và thật sự cần thiết hay không thì mới xác định được giá trị của bộ môn. Đừng bao giờ ngại Sử mà hãy yêu nó thì mới có thể học tốt. Thầy cô cũng cần đầu tư cho chuyên môn, nhiệt tình trong giảng dạy, thực hiện các phương pháp hợp lý, nhuần nhuyễn trong giảng dạy đối với từng cấp học khác nhau” - thầy Dũng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn