MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ép học sinh chuyển trường, bỏ thi: Bệnh thành tích và sự tàn nhẫn. Ảnh: LĐO

"Ép" học sinh không thi vào lớp 10: Lỗi này thuộc về những người quản lý

Thiều Trang - Tường Vân LDO | 22/04/2022 10:45

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, hiện tượng giáo viên “tư vấn”, "ép" học sinh không thi vào lớp 10 là biểu hiện của bệnh thành tích. Và lỗi này thuộc về những người quản lý, hiệu trưởng nhà trường.

Đừng im lặng nữa

Trước loạt bài của báo Lao Động về vụ việc "ép" học sinh yếu kém không thi vào lớp 10 tại Hà Nội, đặc biệt sau khi có phụ huynh đồng ý lên tiếng, đồng hành với Báo Lao Động để đi đến tận cùng sự việc, rất nhiều bạn đọc đã gửi về tòa soạn ý kiến, bày tỏ quan điểm về vấn đề trên.

Bạn đọc Bùi Huy Giang bày tỏ: "Đã có phụ huynh lên tiếng vì bị ép không được thi trường công lập, làm chứng cho sự thật quả là khó khăn trong lúc này. Phụ huynh có con lớp 9 mới thấy không dễ để quyết định. Với học sinh, cơ hội đỗ dù thấp cũng là có cơ hội, không thi trường gần thì thi trường xa.

Thực tế các khoản đầu tư cho học thêm 4 năm cấp 2 cũng bằng chi phí học dân lập 3 năm cấp 3. Vậy nên không ai có thể nhân danh bất kỳ điều gì để tước đi quyền của trẻ được thi. Sau này, phụ huynh có dám nhìn vào mắt con và nói lý do vì bị ép nên không cho con thử không? Chỉ chấp nhận khi đã có điểm số, sau đó mới có thể bắt đầu, cố gắng ở hành trình mới mà không còn băn khoăn vì bố mẹ và con đã làm hết sức của mình".

Bạn đọc Đào Thị Thúy Nga chia sẻ: "Tất cả đều do mọi người cam chịu bất công, không dám lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của mình, của con em mình. Dư luận luôn đứng về kẻ yếu thế trong xã hội nên phải mạnh dạn lên tiếng, đừng im lặng nữa".

Còn bạn đọc Ngần Nguyễn chua xót chia sẻ: "Học sinh có quyền được tham gia thi cử, còn kết quả thế nào thì do năng lực của các em. Nhà trường làm vậy là tước đoạt quyền lợi của các em, tạo áp lực không cho các em học sinh yếu có động lực phấn đấu. Ai chịu trách nhiệm về việc này?".

Bạn đọc Thành Lê Văn cũng đề nghị: "Học sinh 15 tuổi không có quyền về việc thi và học của mình hay sao? Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm để không còn tái diễn tình trạng này".

Bệnh thành tích và sự tàn nhẫn

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho biết, hiện tượng giáo viên “tư vấn”, "ép" học sinh là biểu hiện của bệnh thành tích. Các trường núp vào cái cớ mang tính nhân văn “phân luồng” nhưng bản chất “hành vi” ép học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 lại khác nhau, thậm chí là phi giáo dục.

Bởi thực tế, học sinh đã được trường tuyển, đạt đầu vào. Sau 4 năm đào tạo, trường lại đẩy các em "ra rìa" trách nhiệm là sai hoàn toàn. Tất cả học sinh phải được giúp đỡ như nhau. Những em học yếu kém, có muốn thi hay không là quyền của các em và phụ huynh, không phải quyền của các thầy cô.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, các thầy cô phải tạo điều kiện, đặc biệt là những em học yếu kém. Ngoài ra, những em có hoàn cảnh khó khăn, muốn có cơ hội phấn đấu nhưng chỉ có học ở trường công lập mới đủ điều kiện kinh tế thì càng phải hỗ trợ, động viên nhiều hơn.

"Thông tin về việc ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập không còn là chuyện lạ đối với phụ huynh có con học lớp 9 chuẩn bị thi lên lớp 10 những năm gần đây. Bệnh thành tích trong giáo dục nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung khiến mọi thứ trở nên giả dối, bất nhân văn" - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho biết, thực tế hàng năm, Phòng GDĐT quận/huyện thống kê số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường THPT lập để đánh giá thành tích của trường. Việc trường THCS "làm đẹp" con số thống kê đó của mình bằng các “giải pháp thiết thực”, cụ thể là câu chuyện "vận động" học sinh yếu kém không thi lớp 10 là tàn nhẫn với học sinh.

"Lỗi này thuộc về những người quản lý, hiệu trưởng nhà trường chứ không phải do giáo viên. Chúng ta không thể chạy theo thành tích như vậy. Tôi cho rằng, cách tính thi đua của giáo dục đang đi ngược thực tế. Chúng ta phải tính được tỉ lệ giúp đỡ các em học sinh yếu kém vươn lên, thay vì tỉ lệ học sinh giỏi. Bởi, không ít em học khá giỏi, phần nhiều do chính bản thân em và gia đình nỗ lực" - TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn