MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2022. Ảnh: QV

Gần 35% bỏ xét tuyển đại học: Xu hướng thay đổi hay quy định rắc rối?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 22/08/2022 10:14

TS Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đã phân tích một số nguyên nhân có thể dẫn đến số lượng hơn 325.000 thí sinh chưa nhập nguyện vọng xét tuyển đại học, chiếm gần 35% tổng số đăng ký.

Với 941.759 thí sinh có dự kiến đăng ký xét tuyển đại học (ĐKXT ĐH) khi đăng ký dự thi (ĐKDT), nhưng chỉ có 616.522 (65,5%) thí sinh xác nhận đăng ký xét tuyển trên hệ thống, con số này gây bất ngờ cho các trường đại học (ĐH).

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, chưa thể nói đây là điều bất thường, vì mới chỉ là năm đầu tiên các trường ĐH phải xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức, trong khi những năm trước chỉ lọc ảo đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Từ đó, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đã chỉ ra một số nguyên nhân có thể xảy ra.

Cần kiểm chứng kết quả xét tuyển

Theo ông Nghĩa, thống kê số liệu thí sinh ĐKXT khi thí sinh ĐKDT chỉ mang tính định tính thăm dò và không thể so sánh với số liệu ở những năm trước, vì những năm trước số liệu ĐKXT chung được công bố chỉ là ĐKXT theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.

Với xấp xỉ 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có đến 941.759 (hơn 94%) thí sinh ĐKXT đã là một bất ngờ so với những năm trước. Nếu thực sự hơn 300.000 thí sinh không tiếp tục ĐKXT trên hệ thống mà chuyển sang xét tuyển vào các trường cao đẳng (CĐ) thì đây là điều đáng mừng. Điều này cho thấy sự phân luồng sau THPT bắt đầu có tác dụng. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn phải chờ được đánh giá kiểm chứng qua kết quả tuyển sinh của các trường CĐ.

Quy định rối rắm, thay đổi và chưa hoàn chỉnh

Ông Nghĩa cho rằng một yếu tố tác động khác là sự rối rắm ở đây xuất phát từ việc quy chế tuyển sinh và hướng dẫn thực hiện quy chế được ban hành quá muộn sau khi hầu hết các trường đã triển khai nhận hồ sơ ĐKXT và xét tuyển theo các phương thức khác như xét theo học bạ THPT, ưu tiên xét tuyển hoặc xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

Ngay cả 2 năm đại dịch 2020 và 2021, quy chế tuyển sinh được ban hành từ tháng 5, và các trường kết thúc xét tuyển đợt 1 (đợt chính) vào cuối tháng 8 để đầu tháng 9 nhiều trường đã có thể khai giảng năm học mới.

Những thông tin truyền thông từ Bộ GDĐT đều nhấn mạnh năm 2022 việc ĐKXT sẽ thực hiện sau khi thi tốt nghiệp THPT. Trên thực tế, thí sinh phải thực hiện 3 lần ĐKXT “bắt buộc”: lần đầu (từ 4.5 đến 13.5) thí sinh phải ĐKDT đồng thời có ĐKXT (chứ không như truyền thông của Bộ GDĐT là ĐKXT thực hiện sau khi thi tốt nghiệp THPT).

Lần hai (có thể trước hoặc sau lần đầu), thí sinh phải ĐKXT tại trường ĐH (Bộ GDĐT quy định xét tuyển là nhiệm vụ của các trường ĐH, Bộ chỉ “hỗ trợ” lọc ảo chung các phương thức). Lần ba, tất cả thí sinh đã ĐKXT tại trường bằng bất kỳ phương thức nào cũng phải ĐKXT lại trên hệ thống xét tuyển chung (từ 22.7 đến 20.8).

Nhiều lần “phá lệ”

Hậu quả của việc ĐKXT rối rắm là sau khi ĐKXT lần đầu chỉ có hơn 2.000 thí sinh tự do đã tốt nghiệp từ những năm trước ĐKDT dù thí sinh không thi môn nào để được cấp mã code cho ĐKXT sau này. Bộ GDĐT phải thay đổi quy định của chính mình, tiếp tục mở cổng cho các thí sinh diện này ĐKDT từ 12 đến 18.7.

Hiện chưa thống kê được hết số lượng thí sinh đã ĐKXT lần ba trên hệ thống nhưng chưa ĐKXT lần hai tại trường, hoặc ngược lại, có ĐKXT lần hai tại trường nhưng không ĐKXT lần ba trên hệ thống. Bộ GDĐT đã lại phải tiếp tục điều chỉnh lịch ĐKXT trên hệ thống: những thí sinh chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển đại học vì những lý do ngoài mong muốn sẽ được Bộ GDĐT hỗ trợ từ 21.8 đến 23.8.

Do không lường được năng lực kết nối của nền tảng thanh toán trực tuyến, Bộ GDĐT thông báo lùi lịch thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh 3 ngày so với kế hoạch ban đầu.

Với hơn 600.000 thí sinh đã ĐKXT trên hệ thống và tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ Sư phạm năm 2022 vào khoảng 550.000, việc xét tuyển đủ chỉ tiêu và không bị ảo không chỉ là thách thức của Quy chế tuyển sinh 2022 mà còn là mối lo hàng đầu của các trường ĐH trong giai đoạn xét tuyển cuối hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn