MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên mầm non khao khát tiếng cười trẻ thơ, mong mỏi ngày đến lớp

Thiều Trang LDO | 30/03/2022 14:51

Thời gian mở cửa trường học chưa được xác định nhưng nhiều giáo viên mầm non tư thục tại Hà Nội vẫn ấp ủ hy vọng, mong ngóng tin tức về ngày được trở lại với công việc.

Nuôi hy vọng từng ngày

Gần một năm qua, trẻ mầm non tại Hà Nội vẫn chưa một ngày được đến lớp, trường học vẫn "cửa đóng then cài", giáo viên đang lăn lộn mưu sinh với nặng gánh cơm áo gạo tiền. Nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập “sống mòn” giữa vòng xoáy đại dịch, giáo viên mầm non tư thục cũng chưa thể thoát khỏi “bóng ma” COVID-19. Tất cả đều chao đảo trước trận "cuồng phong" do đại dịch tạo ra.

Nguyện gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, tận tâm dốc cạn kiến thức của mình để chăm sóc học sinh, giúp các con được khám phá, phát triển tư duy, cô Tiêu Thị Trang đã nhất mực cầm cự, giữ trường cho đến ngày hôm nay. Cô Trang vẫn ấp ủ ngày mở cửa đón học sinh trở lại, vì vậy cô đã quyết định đổi tên hệ thống thành Trường Sun Village (Làng Mặt Trời) với hy vọng về một tương lai tươi sáng.

"Trước đó, tôi đã phải đóng cửa 2 cơ sở do dịch bệnh, 2 cơ sở còn lại là tâm huyết và tình yêu của tôi dành cho trẻ. Vì vậy, tôi sẽ gắng chờ đến ngày mở cửa. Hiện nay, mỗi ngày cuối tuần, tôi và các cô đều đến dọn dẹp, lau chùi đồ đạc để tránh ẩm mốc và hư hỏng. Hy vọng sớm được gặp các con" - cô Trang bộc bạch.

 Trường học luôn chờ ngày đón trẻ đến lớp. Ảnh: NT

Từng làm công nhân thời vụ, đi vay nợ để trang trải cuộc sống, cô Trần Kim Vân - giáo viên mầm non tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) - vẫn nuôi hy vọng, mong mỏi chờ ngày được đón trẻ đến lớp. Với cô Vân, dù khó khăn vất vả, dù chông chênh hay cùng cực thì lòng yêu nghề và tình yêu trẻ vẫn níu cô ở lại.

"Gần 1 năm qua chúng tôi sống trong khốn khó, bươn chải đủ nghề để có tiền trang trải. May mắn thay, tôi nhận được sự tin tưởng từ phụ huynh, vì vậy đã tham gia vào mô hình trông trẻ tại nhà, được gần gũi với học sinh và có thêm thu nhập. 

Hiện tại, tôi chỉ mong dịch bệnh mau chóng qua đi, học sinh được đến lớp, giáo viên được đến trường, cuộc sống trở lại như trước kia, để trường mầm non luôn ngập tràn nụ cười con trẻ" - cô Vân hy vọng.

Mong mỏi có chính sách cụ thể

Trước những câu chuyện giáo viên mầm non phải bán hàng online, trông trẻ theo giờ, lau dọn nhà thuê, thậm chí là thất nghiệp, bỏ nghề; rồi hiện tượng hàng loạt trường mầm non tư thục phải đóng cửa vì không thể cầm cự, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán, đề xuất nhiều phương án hỗ trợ như những chính sách ưu đãi tài chính, vay vốn lãi suất thấp, miễn giảm thuế… Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định cụ thể.

Vì vậy, với các chủ trường, điều họ mong đợi nhất hiện nay là nhận được ưu đãi về thuế và có chính sách vay vốn ngân hàng với lãi suất 0% để có thể sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch, nhằm duy trì và khôi phục trường học sau khi trẻ được đi học trở lại.

"Rất mong sớm có quyết định cụ thể để chúng tôi nhanh chóng tiếp cận các gói hỗ trợ, có điều kiện và động lực để tiếp tục duy trì, khôi phục cơ sở mầm non và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà" - cô Nguyễn Thị Hiếu, chủ trường Mầm non Ánh Mặt trời 1 (Hà Nội), nói.

Nhiều giáo viên mầm non khao khát tiếng cười trẻ thơ, mong mỏi được quay trở lại trường làm việc. Ảnh: LĐO (chụp trước đại dịch COVID-19)

Bên cạnh đó, nhiều chủ trường cũng mong mỏi có các chính sách hỗ trợ nhằm duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non tư thục. 

"Hiện nay, giáo viên của trường vẫn chật vật làm thêm, người làm ở siêu thị, người đến nhà phụ huynh trông trẻ. Hiện tại, chỉ còn một nửa giáo viên bám trụ lại, vô cùng khó khăn. Tôi rất áy náy với giáo viên vì bản thân tạo công ăn việc làm cho các cô nhưng lại không ổn định. Hiện tại, còn chưa rõ thời gian mở cửa trường học, việc níu các cô trụ lại với nghề thật sự là bài toán khó.

Chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành, giúp đỡ từ các cấp, đặc biệt có chính sách cụ thể về hỗ trợ cho giáo viên mầm non tư thục để họ không phải bỏ nghề. Nếu giáo viên được hỗ trợ hàng tháng họ sẽ có thêm động lực cố gắng trụ lại với nghề" - cô Tiêu Thị Trang, chủ Trường Sun Village, đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn