MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên mầm non tư thục chưa thoát khỏi “bóng ma” COVID-19

Thiều Trang LDO | 29/03/2022 15:55

Cuộc sống của nhiều giáo viên mầm non tư thục ở các địa phương trên cả nước đã và đang rơi vào hoàn cảnh khốn khó, cùng cực do tác động khủng khiếp của “bóng ma” COVID-19. Nhiều giáo viên rơi vào hoàn cảnh “3 không” - không công việc, không thu nhập, không hỗ trợ, thậm chí nhiều người phải bỏ nghề vì không thể chờ đợi.

Những ngày cùng cực chưa từng có

Bén duyên với nghề giữ trẻ đã ngót nghét 7 năm, cô Trần Kim Anh - giáo viên mầm non tư thục tại Đan Phượng (Hà Nội) khẳng định tình yêu nghề, yêu trẻ bằng việc một mực chờ đợi trường học mở cửa. Nhưng, trong khoảnh khắc nhớ lại quãng thời gian vừa qua, cô Vân không kìm được ánh mắt đọng nước: "Không hiểu bằng cách nào tôi có thể vượt qua những ngày tháng khốn cùng đó".

Đầu tháng 5 năm 2021, trẻ mầm non tại Hà Nội tạm dừng đến trường, cô Kim Anh và đồng nghiệp buộc phải nghỉ dạy để phòng chống dịch COVID-19. Những tưởng việc đóng cửa trường học chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến công việc bị tạm hoãn từ đợt này qua đợt khác.

Theo cô Kim Anh, trước đây, cô hưởng mức lương hơn 6 triệu đồng, tính cả tiền lương của chồng thì vừa đủ chi tiêu, chăm sóc con nhỏ, không dư dả. Thời điểm dịch bệnh phức tạp, cô thất nghiệp, công việc của chồng bấp bênh, cả nhà rơi vào cảnh "sống mòn".

Nói rồi, cô nhớ lại những tháng ngày phải đi làm công nhân thời vụ, việc có theo ngày - nay đến làm, mai lại nghỉ vì thừa nhân công. Chưa có đồng ra đồng vào thì cả nhà dương tính với SARS-CoV-2, phải cách ly và điều trị 14 ngày. Lúc bấy giờ, vợ chồng cô lâm vào thế khó, phải chạy vạy khắp nơi để có tiền trang trải.

"Thật sự quá khó khăn khi không có kinh tế, không thu nhập, vợ chồng tôi gọi đó là thời kỳ cùng cực chưa bao giờ có" - cô Kim Anh bộc bạch.

Giáo dục mầm non tại nhiều địa phương vẫn chưa thể hoạt động trở lại. (Ảnh chụp trước dịch COVID-19)

Rơi vào hoàn cảnh “3 không”

Sinh năm 1999, cô giáo mầm non Nguyễn Mai Nhung (Việt Trì, Phú Thọ) "chân ướt chân ráo" ra trường đi dạy chưa được bao lâu thì dịch bệnh bùng phát, trường học "cửa đóng then cài", học sinh nghỉ học. Nhiều tháng liền bám trụ tại Hà Nội, Mai Nhung rơi vào cảnh "3 không" - không công việc, không thu nhập, không hỗ trợ.

Sau khi sử dụng cạn kiệt khoản tiết kiệm ít ỏi cho việc thuê nhà và sinh hoạt phí, Mai Nhung quyết định về quê nhờ cậy bố mẹ. Đây là quyết định khiến cô giáo trẻ xót xa và buồn tủi trong thời gian dài.

"Sau khi ra trường, tôi may mắn được giữ lại làm việc ở trường mầm non tư thục, những tưởng mọi việc sẽ êm xuôi, tôi sẽ gắn bó với Hà Nội. Nhưng dịch bệnh đã khiến mọi dự định tan biến. Nghỉ dịch ở nhà, không chỉ mất đi thu nhập mà chi phí sinh hoạt cũng phải chi trả nhiều hơn. Lo ăn, lo uống, lo tiền điện, tiền nước, tiền nhà...

Là giáo viên hợp đồng, tôi không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ nhà trường, tôi đã nghỉ việc không lương. Sau 4 tháng cố gắng bám trụ Thủ đô, tôi không còn sức chờ đợi, tôi quyết định về quê" - Mai Nhung kể.

Tại quê nhà Phú Thọ, cô giáo trẻ may mắn xin được việc tại một trường mầm non tư thục gần nhà. Tuy nhiên, dịch bệnh triền miên khiến trường học nay mở, mai đóng, công việc hiện tại của Mai Nhung cũng bấp bênh.

Rứt áo ra đi, buông bỏ nghề nuôi dạy trẻ

Dịch bệnh kéo dài suốt nhiều năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, cuộc sống của giáo viên mầm non tư thục. Lâm vào cảnh thất nghiệp, đối diện trực tiếp với những "kỳ nghỉ dài không lương", chị Nguyễn Thị Vân Anh (Đông Sơn, Thanh Hóa) đã chọn cho mình một ngã rẽ mới. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, sau nhiều ngày trăn trở, chị quyết định từ bỏ công việc nuôi dạy trẻ ở Bình Dương, trở về quê Thanh Hóa làm công nhân may.

Nhiều giáo viên mầm non “đứt ruột” xin bỏ nghề nuôi dạy trẻ. Ảnh: NVCC

Mặc dù rất tiếc nuối khi đã gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ gần 5 năm, nhưng cuộc sống không đảm bảo nên chị Vân Anh đành xin nghỉ việc, tìm công việc khác để tự cứu mình.

"Trở về quê làm công nhân, công việc không quá vất vả, tôi đi làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, mỗi tháng đều nhận lương ổn định. Cuộc sống ở quê cũng dễ thở hơn khi cắt giảm được tiền nhà trọ và thực phẩm cũng rẻ hơn.

Nói không nhớ nghề, không nhớ trường lớp là nói dối. Tôi nhớ trẻ, nhớ đồng nghiệp lắm nhưng nỗi nhớ và tình yêu nghề không biến thành cơm gạo được. Tôi buộc phải lựa chọn, phải rứt áo ra đi, buông bỏ nghề nuôi dạy trẻ" - chị Vân Anh thở dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn