MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên mong được tăng lương để nghỉ làm ruộng, dừng may rèm cửa

Trang Thiều - Phùng Nhung LDO | 22/10/2022 16:06

Thu nhập thấp, đời sống khó khăn, nhiều giáo viên phải tìm đủ việc để kiếm kế sinh nhai. Vì vậy, họ đang mong mỏi được tăng lương cơ sở từng ngày và xa hơn là cải cách tiền lương, giảm gánh nặng về sổ sách, hội họp.

Nghề tay trái nuôi nghề tay phải

Đã có 16 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Kim Oanh - giáo viên Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) hiện chỉ nhận mức lương hơn 8 triệu đồng. Vì vậy, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức là thông tin đáng mừng, là sự động viên, khích lệ lớn.

"Gia đình tôi có hai con đang tuổi đến trường, kinh tế không khá giả, sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc vào lương của tôi. Với mức thu nhập như hiện tại, chi tiêu ở vùng nông thôn đã chật vật, đừng nói đến những thành phố có mức sống cao. Nhất là trong thời buổi giá cả leo thang, cuộc sống lại càng khó khăn” - cô Oanh nói.

Lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, vì vậy, ngoài giờ dạy, cô Oanh phải làm thêm. Cô vẫn làm ruộng, trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn, bớt được một khoản tiền lớn mua lương thực.

Ngoài ra, hai vợ chồng còn nhận may và lắp rèm cửa. Chỉ cần có đơn đặt hàng, dù mưa nắng, dù xa hay gần thì cô vẫn lắp cho khách.

“Để có rèm lắp cho khách, tôi phải tranh thủ may vào ban đêm vì ban ngày bận quá không có thời gian.

Có những hôm nhiều đơn, tôi phải ngồi may đến tận 2 giờ sáng rồi hôm sau lại lên lớp như bình thường. Cuộc sống cứ tất bật như vậy nên ít thời gian rảnh” - cô Oanh thở dài.

Giáo viên mong chờ được tăng lương để giảm gánh nặng tài chính. Ảnh minh họa: LĐO

Cô Mai Thu - giáo viên tiểu học tại Nghệ An cho biết, sau nhiều năm phấn đấu, cô mới được vào biên chế, hiện có hệ số lương là 2,34, lương gần 3,5 triệu đồng/tháng. Cộng lương và các khoản phụ cấp chỉ được hơn 4 triệu đồng.

Tiền lương không đủ chi tiêu, cô Thu buộc phải đứng bếp làm mứt, bánh bột lọc, nấu dầu dừa, sấy các loại hạt, làm bột ngũ cốc... để bán.

“Cứ mùa nào thứ ấy, tôi bán đủ cả, có đồ tự tay làm, có thứ lấy buôn về bán. Tôi bán online, chủ yếu cho bạn bè, đồng nghiệp, người quen. 

Từ khi có công việc làm thêm, tuy vất vả nhưng có thêm thu nhập nuôi con. Chồng tôi cũng là viên chức, lương 4-5 triệu/tháng, nếu không đi làm thêm, thu nhập hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn chục triệu, trong khi phải nuôi 2 con ăn học.

Tôi vẫn hay nói vui là nghề tay trái nuôi nghề tay phải. Nếu chỉ trông chờ vào lương đi dạy thì không đủ sống" - cô Thu nói.

Tăng lương càng sớm càng tốt

Trước đây, hằng năm đều có điều chỉnh tăng lương nhưng 3 năm qua chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức rất khó khăn.

Cô Mai Thu cho rằng, trong bối cảnh vật giá leo thang, đến giá rau cũng đồng loạt tăng gấp đôi đến gấp ba lần, việc tăng lương cơ sở nên triển khai càng sớm càng tốt. Nếu để đến tháng 7.2023 thì không còn ý nghĩa động viên, khích lệ mà cần tăng ngay từ 1.1.2023.

Còn cô Trà My - giáo viên tiểu học tại huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, nhiều người vì áp lực nên phải bỏ nghề, có người phải làm thêm nhiều nghề để mưu sinh. Suy cho cùng, giáo viên cũng cần đồng lương để trang trải cuộc sống, có sức để cống hiến.

“Tăng lương cơ sở là điều đáng mừng, không nên chậm trễ hơn nữa. Theo tôi nên tăng ngay từ 1.1.2023. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, chúng tôi rất mong chờ giải pháp lâu dài như cải cách tiền lương, giảm bớt các thủ tục rườm rà về hồ sơ sổ sách để chúng tôi có động lực phấn đấu và yên tâm công tác" - cô Trà My nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn