MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên Trung học cơ sở muốn nghỉ hưu sớm ở tuổi 50

Thanh Hằng LDO | 02/04/2023 14:26

Hầu hết giáo viên đều muốn giữ nguyên tuổi hưu như trước đây, thậm chí nhiều thầy cô còn mong được nghỉ hưu sớm. Bởi khi bước vào độ tuổi “xế chiều”, sức khỏe ngày càng giảm sút dẫn đến những ảnh hưởng nhất định trong công việc đứng lớp.

Mong được nghỉ hưu sớm

Nhiều nữ giáo viên cho rằng, do tính chất đặc thù công việc của nhà giáo luôn cần sự thay đổi, đổi mới thường xuyên nên nghỉ hưu ở tuổi 60 là không hợp lý.

Cô Lâm Yến Phương (sinh năm 1978, giáo viên THCS ở Tây Ninh) cho rằng, hầu hết giáo viên cô quen biết đều muốn giữ nguyên tuổi hưu hiện tại là nam 60 tuổi còn nữ 55 tuổi.

Cô Phương bày tỏ mong muốn được nghỉ hưu sớm vì giáo viên khi bước qua độ tuổi 45, sức khỏe giảm sút rất nhiều. “Bản thân tôi 45 tuổi, mỗi lần dạy 5 tiết ở trường về rất mệt. Tôi muốn về hưu sớm ở tuổi 50 vì khi đóng đủ 30 năm tiền bảo hiểm cũng đồng nghĩa với việc đã cống hiến nhiệt huyết 30 năm với nghề” - cô Phương chia sẻ.

Nữ giáo viên cũng mong muốn nghỉ hưu sớm để lớp trẻ có cơ hội. Bởi thực trạng hiện nay cho thấy, tỉ lệ sinh viên ra trường không có việc làm hay làm trái ngành, trái nghề rất lớn. Trong khi đó, giáo viên lớn tuổi lại nghỉ hưu quá muộn, gây lãng phí lớn nguồn nhân lực trẻ, chất lượng. 

Theo cô Phương, tùy theo mỗi cấp học sẽ có độ tuổi nghỉ hưu phù hợp. Ví dụ như giáo viên mầm non có thể về hưu sớm hơn, còn giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì nên giữ như quy định trước. Những giáo viên muốn về hưu sớm cũng nên tạo điều kiện.

Nhiều giáo viên mong được nghỉ hưu sớm. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Tăng tuổi nghỉ hưu gây áp lực cho giáo viên lớn tuổi

Chia sẻ về những khó khăn, áp lực của nghề giáo, cô Nguyễn Thị Bá (sinh năm 1969, giáo viên THCS tại Tiền Giang) cho biết, để dạy tốt chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải học thêm nhiều module, cập nhật rất nhiều kiến thức, thay đổi về tư duy, cách dạy học... Giáo viên lớn tuổi như cô cảm thấy rất áp lực. 

Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Nếu như tăng tuổi nghỉ hưu, đặc biệt với giáo viên thực hiện công tác đứng lớp giảng dạy học sinh thì gây ra nhiều khó khăn và không phù hợp. Bởi vì độ tuổi của học sinh và giáo viên cách xa quá nhiều, gây khó khăn trong việc truyền tải kiến thức cũng như tâm tư tình cảm. Đồng thời tạo nhiều áp lực cho giáo viên và dẫn đến chất lượng dạy học giảm sút.

“Giáo viên cấp 2 như tôi đỡ nặng gánh hơn phần nào, giáo viên mầm non còn vất vả hơn rất nhiều khi đứng lớp ở độ tuổi cao, sức khỏe suy giảm. Trong khi đó, các em học sinh tuổi đang nhỏ có sự nghịch ngợm, năng động. Điều này gây khó khăn trong việc chăm sóc và dạy dỗ các em học sinh” - cô Bá tâm sự.

Xã hội ngày càng phát triển nên giáo viên cũng cần áp dụng những phương pháp dạy mới, thay đổi để phù hợp với những tiến bộ về công nghệ. Những giáo viên lớn tuổi cũng cố gắng để thay đổi, học hỏi. Tuy nhiên ở độ tuổi “xế chiều”, họ không được nhanh nhạy trong khoản sổ sách, hồ sơ... giống như những cô giáo trẻ.

Vậy nên, cô Bá bày tỏ mong muốn giữ nguyên mức tuổi nghỉ hưu của giáo viên nữ như trước đây, hoặc nếu giáo viên sức khỏe không đảm bảo thì có thể xin về hưu sớm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn