MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Giáo viên và học sinh chỉ cảm thấy hạnh phúc khi an toàn"

Thiều Trang LDO | 18/01/2022 18:45
Đó là tiếng nói từ giáo viên cơ sở khi bày tỏ sự trăn trở về câu hỏi "Khi nào giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc?" tại lớp bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho Nhà giáo vì trường học hạnh phúc do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức.

Chiều 18.1, Phòng GDĐT quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức Chuyên đề “Triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua mang tính ngành nghề nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp cho Nhà giáo vì trường học hạnh phúc” theo hình thức trực tuyến.

Lớp bồi dưỡng "Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động mang tính ngành nghề nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp cho Nhà giáo vì trường học hạnh phúc". Ảnh: CMH

Tại lớp bồi dưỡng, đồng chí Đỗ Văn Nam - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong các hoạt động Công đoàn; những công tác phối hợp chỉ đạo giữa Công đoàn và chính quyền; đồng thời, chia sẻ về ý nghĩa của các phong trào thi đua, các cuộc vận động mang tính ngành nghề nhằm nâng cao năng lực nhà giáo vì một trường học hạnh phúc.

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, cùng với các cuộc vận động, Công đoàn cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua bảo đảm chất lượng thực, đạt hiệu quả cao để các phong trào thi đua được lan tỏa rộng khắp, góp phần xây dựng tập thể sư phạm nhà trường đoàn kết, thống nhất, đồng lòng vì sự phát triển của nhà trường và toàn ngành GDĐT.

Bày tỏ sự trăn trở về câu hỏi "Khi nào giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc?", thầy Phương Đức Việt - Phó hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bản thân chỉ cảm thấy hạnh phúc khi cảm thấy an toàn. 

"Quan điểm của tôi - không an toàn là không hạnh phúc. Giáo viên và học sinh chỉ cảm thấy hạnh phúc khi an toàn" - thầy Việt nói, đồng thời chỉ ra, trước hết là an toàn về cơ thể. Theo đó, học sinh đến trường được chạy nhảy, nô đùa, có khả năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh. Thầy cô được tham gia giảng dạy, bảo đảm an toàn trước dịch bệnh.

Bên cạnh đó là an toàn về tinh thần. Giáo viên, học sinh được nói, được chia sẻ, bày tỏ quan điểm và được lắng nghe, thấu hiểu. Thầy cô có thể đưa ra ý kiến mà không sợ bị trù dập, có thể góp ý mà không sợ mất lòng. Học sinh được cởi mở, trao đổi, được tôn trọng là lắng nghe. 

"Như vậy, muốn xây dựng trường học hạnh phúc phải tập trung vào xây dựng trường học an toàn. Đó là trách nhiệm của cả lãnh đạo, Ban giám hiệu, Công đoàn và tất cả mọi người" - thầy Việt chia sẻ.

Giáo viên và học sinh chỉ cảm thấy hạnh phúc khi an toàn. Ảnh: Sơn Tùng (chụp trước dịch COVID-19)

Theo nhiều giáo viên, lớp bồi dưỡng đã góp phần nâng cao năng lực và nhận thức của giáo viên về các cuộc vận động, các phong trào thi đua mang tính ngành nghề của ngành Giáo dục. Từ đó, các nhà trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn