MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2022, học phí nhiều trường đại học tăng mạnh. Ảnh minh họa: Lao Động

Học phí đại học tăng cao, nhiều sinh viên “đứng ngồi không yên”

Trà My LDO | 02/07/2022 19:36

Hàng loạt trường đại học công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 tăng mạnh so với năm học trước. Điều này gây áp lực, tạo gánh nặng tới khả năng chi trả của các em sinh viên, đặc biệt là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Học phí tăng mạnh 

Ấp ủ giấc mơ trở thành một phóng viên chuyên nghiệp, em Nguyễn Hồng Sơn, học sinh lớp 12 trường THPT C Bình Lục (Hà Nam) dự định thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Theo dõi đề án tuyển sinh của trường, Sơn đã ngỡ ngàng khi nhận thông tin tăng học phí cho khóa mới. 

"Học phí tăng 60% so với năm ngoái cộng thêm mức chi tiêu ở Hà Nội rất đắt đỏ, gia đình em không gồng gánh được. Em dự tính một con đường khác là học nghề vì chỉ cần 1-2 năm là có thể kiếm tiền" - Sơn bộc bạch.

Năm học 2022 - 2023, mức học phí dự kiến của nhiều đại học tăng cao so với năm học trước.

Tại Học phí Học viện Tài Chính, mức học phí hệ đại học chính quy năm 2022 - 2023 là 15 triệu đồng. Cũng trong năm học tới, học phí được điều chỉnh theo quy định hiện hành của Nhà nước nhưng không vượt quá 10% mỗi năm học. Chương trình chất lượng cao là 45 triệu đồng/sinh viên/năm học.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có mức học phí dự kiến với sinh viên hệ chính quy tăng lên là 4,2 triệu đồng/tháng, tương ứng 42 triệu đồng/năm.

Trong khi mức học phí áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2021 là 3,5 triệu đồng/tháng, tương ứng 35 triệu đồng/năm. Như vậy tân sinh viên năm học sắp tới phải đóng học phí cao hơn 7 triệu so với khóa tuyển sinh năm 2021.

Với các năm học tiếp sau khóa 2022, mỗi năm học phí của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục tăng lên 2 triệu so với năm học đầu tiên.

Mong chờ chính sách hỗ trợ

Em Vũ Thị Thuý, sinh viên năm 3 Trường Đại Học Y Hà Nội chia sẻ, với tiền học phí, tiền ăn ở sinh hoạt 5 triệu đồng/tháng, tiền giáo trình, dụng cụ học tập là 4-5 triệu đồng/năm cùng với các chi phí phát sinh khác thì trung bình mỗi tháng gia đình phải chu cấp cho em khoảng 10 triệu đồng.

“Quãng đường học y 6 năm thực sự rất dài. Với mức học phí như vậy cũng khá áp lực cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tăng học phí là tăng gánh nặng của gia đình em” - Thúy nói.

Học phí tăng, chi phí ăn ở, sinh hoạt đắt đỏ khiến nhiều sinh viên không trụ nổi, buộc phải từ bỏ ngành học và trường ước mơ, tìm kiếm công việc để trang trải cuộc sống và lo cho gia đình. 

So với bạn bè cùng trang lứa, em Trịnh Minh Thuận, sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội có phần đỡ vất vả hơn bởi trong 2 năm học vừa qua, em đã nỗ lực rất nhiều lần và được nhận các khoản học bổng. Tuy nhiên, khi chứng kiến không ít bạn bè vì hoàn cảnh quá khó khăn, không đủ khả năng chi trả khiến việc học bị gián đoạn, nam sinh không khỏi xót xa.

"Em mong không có ai vì học phí tăng, chi phí sinh hoạt tăng mà phải bỏ học" - Minh Thuận bày tỏ.

Học phí vốn luôn là nỗi trăn trở của nhiều sinh viên. Trong thời điểm vật giá đắt đỏ như hiện nay, nhiều trường đồng loạt tăng học phí khiến không ít sinh viên, nhất là những sinh viên phải sống xa nhà, thuê trọ trên thành phố rất lo lắng.

“Việc sống xa nhà và phải vừa đi học đi làm khiến em cảm thấy rất khó khăn. Ngoài xin tiền học phí thì em không dám đòi hỏi bất kỳ khoản khác từ bố mẹ" - em Phạm Thị Mỹ Hằng, sinh viên năm 2 trường Đại học Y Hà Nội, tâm sự.

Nữ sinh cho biết trường mình luôn có sẵn các quỹ học bổng để hỗ trợ các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn và học bổng khuyến khích học tập dành cho các bạn có thành tích xuất sắc. Hà đang cố gắng từng ngày để đạt được học bổng nhằm giảm bớt phần nào áp lực học phí. 

Mong mỏi lớn nhất của hầu hết sinh viên viên hiện nay là khi học phí tăng thì cơ sở vật chất ngày càng chất lượng hơn để sinh viên phát triển toàn diện. Đồng thời, sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các em để việc học trở nên "nhẹ nhõm" hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn