MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại Hà Nội, mỗi trường quy định 1 cách xử lí khác nhau đối với học sinh được xác định diện F1. Ảnh: Tường Vân.

Học sinh Hà Nội "thế hệ F1", mỗi nơi xử lí 1 kiểu

Tường Vân LDO | 16/02/2022 11:52

Hà Nội - Sau hơn 1 tuần học sinh đi học trực tiếp trở lại, số ca F0, F1 tại các trường học trên địa bàn thành phố liên tục tăng. Điều đáng nói, đều được xác định là F1 nhưng quy trình xử lí tại mỗi trường có sự khác biệt rõ rệt.

Mỗi nơi một phương án xử lí

Chị Nguyễn Minh Hường - phụ huynh có con học lớp 7 tại 1 trường THCS Đan Phượng, Hà Nội chia sẻ, chỉ sau một vài buổi đi học, lớp học của con trai chị đã xuất hiện ca F0. Do tiếp xúc gần với ca nhiễm nên con trai chị Hường được thông báo thuộc diện F1 và nhanh chóng trở về nhà học online.

Theo quy định của nhà trường, học sinh thuộc diện F1 sau 3 ngày học online, tự theo dõi sức khỏe tại nhà sẽ xét nghiệm rRT-PC. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học trực tiếp trở lại.

Theo quan điểm của gia đình chị Hường, xét nghiệm rRT-PCR cho học sinh thuộc diện F1 sau 3 ngày kể từ khi lớp phát hiện F0 có độ tin cậy và chính xác cao. Tuy nhiên, đây là hướng giải quyết chưa thích ứng linh hoạt trong bối cảnh số ca F0 trong trường học liên tục tăng cao.

“Khi con đi học trực tiếp trở lại, nếu trong lớp lại xuất hiện F0, con thành F1 thì cứ liên tục phải đi test PCR hay sao? Cứ mỗi lần test con sẽ phải nghỉ thêm 1 ngày đợi có kết quả. Chưa kể, chi phí cho 1 lần test PCR không hề rẻ” – chị Hường phân tích.

Còn tại trường THCS Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), khi xuất hiện F0, các trường hợp F1 nhanh chóng được xác định, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo để học sinh chuyển sang học trực tuyến tại nhà và theo dõi sức khỏe.

“Đối với học sinh được xác định là F1, nhà trường yêu cầu học sinh test nhanh hằng ngày, 3 lần có kết quả âm tính báo cáo giáo viên chủ nhiệm là có thể đi học trực tiếp” – Hiệu trưởng nhà trường, bà Hồ Thuận Yến thông tin.

Chị Lê Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giáo viên chủ nhiệm thông báo, học sinh khoác vai, ôm, nói chuyện trên 15 phút là F1; trường thì xác định ngồi cạnh nhau là F1,.. Những trường hợp này sẽ học online tại nhà, sau 3,4 hôm, phụ huynh tự test nhanh cho con. Nếu kết quả âm tính sẽ báo với giáo viên chủ nhiệm và hôm sau con được đến trường học trực tiếp.

“Tôi thấy lạ là cùng được xác định là F1 nhưng mỗi trường lại có cách xử lí khác nhau khiến nhiều phụ huynh, học sinh không tránh khỏi hoang mang, lo lắng”- chị Hà chia sẻ.

Đánh giá đúng F1 và có cách xử lí phù hợp

Bà Văn Liên Na – Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh nhận định, việc yêu cầu học sinh thuộc diện F1 xét nghiệm rRT-PCR sau 3 ngày theo dõi ở nhà quả thực lãng phí, tốn kém về tiền bạc và cả thời gian. Lí giải cho nhận định của mình, bà Na nói:

“Xét nghiệm rRT-PCR chưa hiệu quả, tốn kinh phí, thời gian và chưa linh hoạt, đặc biệt ở giai đoạn đầu cho học sinh đến lớp trở lại. Do đó, nhà trường yêu cầu học sinh F1 có test nhanh của y tế phường có kết quả âm tính có thể trở lại trường học trực tiếp.

Tuy nhiên, để an toàn, ban giám hiệu, các thầy cô chủ nhiệm luôn truyền tải thông điệp tới tất cả học sinh để các em nâng cao ý thực thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế”.

Trao đổi với Lao Động về việc đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh:

“Chúng ta phải đánh giá, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, rồi xác định F0, F1 trong trường học chính xác. Nguy cơ đến đâu chúng ta thực hiện đáp ứng đến đó. Tránh việc đáp ứng không đến nơi đến chốn, không phòng chống được dịch. Nhưng nếu đánh giá nguy cơ thái quá dẫn tới đáp ứng một cách thái quá sẽ khiến việc học bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm cũng phải thực hiện đúng theo dịch tễ, tránh xét nghiệm tràn lan và không cần thiết. Điều này vừa không hiệu quả, vừa tốn kém cho nhà trường và tốn kém cho phụ huynh".

Ngày 8.2, trong công điện gửi giám đốc các Sở GDĐT, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng việc học tập và sinh hoạt của học sinh.

Bên cạnh đó, các trường cần triển khai nội dung, biện pháp phòng, chống dịch và xử lý các tình huống phát sinh kịp thời, hiệu quả theo các phương án, kịch bản đã được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo, đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn