MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh lớp 7 khởi nghiệp với thiết bị đo chỉ số sức khoẻ tích hợp

Thiều Trang LDO | 27/03/2022 14:56

Góp mặt trong vòng chung kết cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì tổ chức, nhóm học sinh Trường THCS Tiền An (TP Bắc Ninh) đã nhận được nhiều sự quan tâm với thiết bị đo chỉ số sức khoẻ tích hợp nhiều tính năng ưu việt.

Ý tưởng xuất phát từ thực tiễn gian khó

Những ngày Bắc Ninh bước vào đỉnh dịch, số ca mắc tăng cao, hệ thống y tế bị áp lực đè nặng, nhóm học sinh Trường THCS Tiền An liên tục nghe những tiếng thở dài: "Chung cư nhà mình nhiều gia đình bị COVID-19. Hằng ngày, nhân viên y tế phải đến từng nhà để ghi chép các thông tin về chỉ số sức khỏe. Vất vả quá!", "Thời sự đưa tin bệnh viện và khu cách ly, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín mít đo chỉ số sức khỏe của bệnh nhân, cường độ công việc cao nhiều nhân viên làm việc quá sức, bị ngất xỉu…", cùng rất nhiều khó khăn vất vả khác.

Từ thực tế đó, nhóm Technology Health Lifestyle (THL) gồm 5 thành viên là: Phạm Hoàng Phú (lớp 9), Nguyễn Trường Giang, Phạm Vũ Thảo Nguyên, Nguyễn Chí Bảo, Vũ Hoàng (lớp 7) đã cùng nhau thảo luận, nghiên cứu và đưa ra giải pháp, những mong hỗ trợ được đội ngũ nhân viên y tế làm việc tại các khu cách ly, điều trị lúc bấy giờ.

Nhóm Technology Health Lifestyle. Ảnh: Thiều Trang

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - giáo viên trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết, dự án "Thiết bị đo chỉ số sức khỏe THL" được hình thành từ quá trình các em tham gia câu lạc bộ STEM, đặc biệt thời điểm đó TP Bắc Ninh là một trong những điểm dịch lớn nhất cả nước. Các em học sinh đã đề xuất ý tưởng tạo ra sản phẩm dựa trên thực tiễn khó khăn của đội ngũ nhân viên y tế và bác sĩ khi phải di chuyển nhiều để theo dõi và ghi chỉ số sức khỏe bệnh nhân.

"Đây là nội dung sinh hoạt trong câu lạc bộ STEM, các em được học kiến thức lập trình, được làm quen với các nội dung về hoạt động của cảm biến điện tử. Mặc dù, kiến thức của các em vẫn còn hạn chế, nhưng thầy cô giáo đã nỗ lực định hướng, giúp nhóm tạo ra sản phẩm tiện ích nhất trong mùa dịch này" - cô Ngọc chia sẻ.

Thiết bị sẽ hỗ trợ được đội ngũ nhân viên y tế làm việc tại các khu cách ly, điều trị. Ảnh: Thiều Trang 

Thiết bị sở hữu nhiều tính năng ưu việt

Chia sẻ với Lao Động, Phạm Vũ Thảo Nguyên - thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, thiết bị đo chỉ số sức khoẻ tích hợp 4 tính năng là đo chỉ số nhịp tim, oxy máu, huyết áp và nhiệt độ. Đặc biệt, sản phẩm có kết nối với app điện thoại để thuận tiện kiểm tra và theo dõi từ xa.

"Theo tìm hiểu của chúng em, trên thị trường hiện nay chưa có sản phẩm tích hợp đầy đủ các chỉ số sức khỏe cần thiết cũng như kết nối với app điện thoại để có thể theo dõi tình trạng của người dùng. 

Theo đó, một số thiết bị đã tích hợp đo từ 2-3 chỉ số, nhưng giá thành rất cao từ 7-9 triệu đồng/sản phẩm. Trong khi đó, hiện tại chúng em thực hiện chỉ có giá thành hơn 1 triệu đồng. Đặc biệt, hầu hết các thiết bị bán trên thị trường đều chưa kết nối với app điện thoại, chưa thể lưu chỉ số đó để theo dõi" - Thảo Nguyên thông tin.

 Thiết bị đo chỉ số sức khỏe. Ảnh: Thiều Trang

Chia sẻ về dự án duy nhất của tỉnh lọt vào vòng chung kết Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2022, ông Đinh Đức Thiện - chuyên viên Sở GDĐT Bắc Ninh cho biết, Sở đã hết sức quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ nhà trường, nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm để tham dự cuộc thi.

App theo dõi trên điện thoại. Ảnh: CMH

Là học sinh cấp THCS, Phạm Vũ Thảo Nguyên và đồng đội chưa có nhiều kiến thức về lập trình, thiết kế, quản lý, kinh doanh... Đặc biệt, thời gian nghiên cứu rơi vào đợt dịch căng thẳng nên các thành viên không thể gặp nhau, thời gian lớn phải trao đổi online. Thậm chí, nhiều lúc không hiểu ý nhau nên xảy ra tranh cãi, nhưng sau tất cả, nhờ sự đồng lòng và giúp đỡ từ thầy cô, anh chị Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhóm đã từng bước hoàn thiện sản phẩm.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến, hoàn thiện sản phẩm nhỏ gọn, tiện dụng và phát triển app điện thoại hoàn thiện hơn. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu mong muốn có thể sớm thương mại hóa sản phẩm để giúp thiết bị đến gần hơn với người dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn