MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huyên Nguyễn

Khảo sát ở TPHCM: Ít sinh viên đại học muốn làm việc trong cơ quan nhà nước

HUYÊN NGUYỄN LDO | 24/02/2023 10:57
TPHCM - Khảo sát gần 20.000 sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM, chỉ có 10,21% sinh viên xuất sắc – giỏi, 5,79% sinh viên khá và 7,71% sinh viên trung bình muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước.

Thông tin trên được PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nêu ra tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”, vào sáng 24.2 tại TPHCM.

Ông Vũ Hải Quân cho hay trong 15 năm qua, đội ngũ tri thức đã tăng nhanh về số lượng, nhiều tri thức có trình độ cao, năng động sáng tạo, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số lĩnh vực vấn đề cần chú ý, đặc biệt là trong công tác đào tạo. Thống kê trên cả nước cũng cho thấy trong lĩnh vực khoa học công nghệ, số cán bộ nghiên cứu trên vạn dân còn thấp so với các nước trong khu vực. Số liệu từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân; đặc biệt là số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ còn rất thấp, tổng số chỉ là gần 30.000 tiến sĩ.

Cán bộ tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia TPHCM nghiên cứu khoa học. Ảnh: Huyên Nguyễn

Số liệu từ Bộ GDĐT, bậc đại học, số lượng thí sinh nhập học ngành Công nghệ thông tin liên tục tăng, từ 46.173 sinh viên năm 2019 lên 56.260 sinh viên năm 2022 đạt 100% chỉ tiêu; trong khi các ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống thì số lượng sinh viên nhập học chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu. Cá biệt có một số nhóm ngành khoa học không tuyển sinh được như ngành Hải dương học, Địa chất. Tổng số sinh viên nhập học của các nhóm ngành này chỉ đạt chưa đến 30%.

Cùng với đó, số lượng nghiên cứu sinh các nhóm ngành Toán, Khoa học Công nghệ liên tục giảm trong 3 năm gần đây, năm 2019 là 1.379 người thì năm 2021 chỉ còn 1.010 người, chiếm 9,41% so với chỉ tiêu của các ngành.

Tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học tính trên GDP là rất thấp, chỉ đạt 0,25% - 0,27%, trong khi tỉ lệ này ở các nước trong khu vực là 0,6% - 1%.

Về Đại học Quốc gia TPHCM, ông Quân nêu ra số liệu khảo sát vừa được thực hiện cũng ghi nhận tỉ lệ sinh viên mong muốn làm việc có khoảng 15,6% sinh viên của Đại học Quốc gia TPHCM muốn được làm việc cho các cơ quan Trung ương tại Hà Nội điều này liên quan tới chính sách tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp phía Nam ra công tác tại các bộ, ban, ngành Trung ương tại Hà Nội.

Đáng chú ý, trong số 20.000 sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy có 10,21% sinh viên xuất sắc – giỏi, 5,79% sinh viên khá và 7,71% sinh viên trung bình muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước.

Các nhà khoa học trên thế giới cũng đã nghiên cứu, phân tích từ dữ liệu thực tế, chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa nhân tài, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tốc độ phát triển kinh tế.

Dẫn lại lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh của Solow (đạt giải Nobel kinh tế năm 1987), PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh nhân tài là yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nơi nào thu hút được nhân tài nhiều hơn, nơi đó sẽ thịnh vượng hơn. Từ đó, PGS.TS Vũ Hải Quân đặt vấn đề trong việc xây dựng chính sách ở giai đoạn mới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn