MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh luận về giá trị chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh đại học. Ảnh: Trang Hà

Không nên thần thánh hoá giá trị của chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh đại học

Thanh Hằng LDO | 11/11/2023 06:47

Nhiều năm trở lại đây, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS được các trường đưa vào làm một trong những tiêu chí quan trọng trong xét tuyển đại học. Đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận của học sinh, giáo viên và chuyên gia về giá trị thực chất của chứng chỉ này mang lại.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo miễn thi và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương.

Em Nguyễn Thảo Mai - học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, bản thân có dự định học và thi chứng chỉ IELTS. Bởi nếu có chứng chỉ này sẽ tăng thêm cơ hội và lựa chọn khi xét tuyển đại học, cũng như có lợi thế hơn khi tìm việc làm trong tương lai.

Theo nữ sinh, chứng chỉ IELTS đánh giá được năng lực học sinh vì đề thi IELTS có độ khó nhất định, đòi hỏi người thi cần phải trang bị đầy đủ nhiều kiến thức, kỹ năng. Đồng thời, trong thời gian học IELTS, người học có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình và rèn luyện được nhiều kỹ năng cơ bản khác.

“Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS đã giúp chúng em có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học và hỗ trợ em rất nhiều trên con đường thực hiện ước mơ. Em thấy việc tăng chỉ tiêu xét tuyển với phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ là cơ hội tốt. Vì các bạn học sinh vùng miền khó khăn cũng được Bộ GDĐT có những ưu tiên riêng như cộng thêm điểm vùng...” - Thảo Mai chia sẻ.

Bàn về giá trị của chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh đại học, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng, không nên chỉ dựa vào chứng chỉ IELTS để đánh giá năng lực kỹ năng tổng quát của người học trong kỳ tuyển sinh, không quá coi trọng IELTS mà bỏ qua những môn học văn hoá khác.

Theo chuyên gia, ngoại ngữ là một công cụ rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu để trở thành tiêu chí xét tuyển thẳng đối với học sinh trong kỳ tuyển sinh là chưa hợp lý. Bởi không đảm bảo được sự công bằng vì cơ hội tiếp cận kiến thức về ngoại ngữ giữa các học sinh không giống nhau.

“Các cơ sở giáo dục nên có chính sách ưu tiên, cộng điểm, giảm học phí, tặng học bổng đối với những em có các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC… thay vì tuyển thẳng như hiện nay. Đó cũng là cách để chúng ta trả lại giá trị thực cho chứng chỉ ngoại ngữ nói chung, chứng chỉ IELTS nói riêng, tránh trào lưu “chạy đua” luyện thi chứng chỉ IELTS” - TS Thu Hương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn