MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không trông chờ thưởng Tết, giáo viên co kéo chi tiêu, cật lực làm thêm

Phùng Nhung LDO | 29/12/2022 21:09

Đã từ lâu, nhiều giáo viên không còn nghĩ đến chuyện thưởng Tết, cũng không mong chờ vào khoản tiền này. Với họ, đây chỉ là khoản hỗ trợ “động viên tinh thần là chính”.

Co kéo chi tiêu dành dụm tiền sắm Tết

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết nguyên đán 2023, đây là thời điểm nhiều giáo viên lên kế hoạch làm thêm để kiếm tiền tiêu Tết, bởi thưởng Tết không đủ chi trả cho các khoản thiết yếu trong dịp đặc biệt này.

Cô Lê Thị Kim Oanh - giáo viên Trường THPT tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, Tết đến nhiều niềm vui nhưng cũng kéo theo nhiều nỗi lo toan. Tiền lương nhà giáo chỉ vài triệu đồng, ngày thường chi tiêu còn không đủ huống gì ngày Tết "trăm khoản" phải lo.

“Tiền thưởng Tết mỗi năm sẽ tuỳ vào quỹ phúc lợi. Trung bình sẽ trong khoảng từ 1 - 2 triệu đồng. Đây là khoản hỗ trợ “động viên tinh thần là chính” vì không thể đáp ứng những thứ phải sắm sửa như: Tiền mua bánh kẹo, thức ăn, tiền mua quà Tết, tiền biếu ông bà nội ngoại, tiền lì xì, mua sắm quần áo mới cho các con…” - cô giáo nói.

Cô Lê Thị Kim Oanh - giáo viên THPT tại Tam Đảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Oanh nhẩm tính, mỗi dịp Tết sẽ phải tiêu tốn số tiền khoảng 17 triệu đồng. Để có tiền tiêu Tết thì gia đình phải lên kế hoạch tiết kiệm chi tiêu từ tháng 9.

"Tiền lương không dư giả nên khi lấy lương tôi sẽ để dành ra số tiền 3 triệu đồng mỗi tháng. Những thứ không cần gấp thì mua sau, cắt giảm tối đa các khoản không cần thiết. Như vậy, khi đến Tết sẽ dư ra hơn chục triệu đồng sắm Tết" - cô Oanh chia sẻ.

Cật lực làm thêm

Để có thêm tiền tiêu Tết, ngoài những giờ dạy trên lớp, cô Bùi Thị Hiền - giáo viên THPT tại Hà Trung (Thanh Hoá) kinh doanh thêm mặt hàng thịt bò, thịt lợn khô.

Cô giáo cho biết, không trông chờ vào thưởng Tết bởi số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng. Vì vậy, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sấy khô mùa Tết tăng cao nên cô quyết định tự làm để bán. Khách hàng của cô Hiền chủ yếu là đồng nghiệp và những người thân quen.

Giáo viên kinh doanh online dịp Tết. Ảnh: Phùng Nhung

"Số lượng sản phẩm phụ thuộc vào nhu cầu đặt hàng của mọi người. Tất cả các khâu từ chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói, đăng sản phẩm bán đều do một mình tôi làm" - cô Hiền chia sẻ.

Phần lớn thời gian dành cho giảng dạy trên lớp nên cô Hiền chỉ có thể tranh thủ làm buổi tối, nhiều khi phải làm đến đêm. Lượng đơn đều giúp cô Hiền có thêm chi phí để trang trải vào dịp Tết.

Cận Tết, cô Nguyễn Thị Minh Lý - giáo viên THPT tại Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng tất bật với công việc buôn bán mật ong. Cô giáo cho biết, mặt hàng này rất được ưa chuộng mỗi dịp Tết đến, mọi người thường mua để sử dụng và làm quà biếu.

“Những năm trước đây, tôi buôn bán hoa quả, giao khắp các tỉnh Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hưng Yên, Hà Nội. Năm ngoái và năm nay do lịch dạy dày đặc, công việc bận rộn nên chuyển sang bán mật ong” - cô Lý nói.

Mỗi lít mật ong cô Lý sẽ thu lãi từ 20.000-30.000 đồng. Mỗi mùa Tết, cô thu về số tiền hơn chục triệu đồng, đủ để trang trải các khoản trong dịp đặc biệt.

"Hằng năm, tôi nhận được thưởng Tết hơn 1 triệu đồng. Số tiền này không đủ để chi tiêu cho Tết. Vừa dạy học vừa buôn bán tuy rất vất vả nhưng có thêm chi phí để chi tiêu, mua sắm cũng đỡ lo lắng hơn” - cô Lý tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn