MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lấy ý kiến việc tăng học phí: Vì sao có con số 72% phụ huynh “đồng ý”?

Trà My LDO | 24/06/2022 12:17

Khảo sát của ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội mới đây cho thấy, hơn 53.700 người được khảo sát đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72%. Con số này đang khiến dư luận hoài nghi về tính xác thực của việc “lấy ý kiến”.

Phụ huynh nói gì?

Theo dõi tin tức trên các kênh thông tin truyền thông đại chúng, chị Nguyễn Thị Minh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự nghi ngờ: “Tỉ lệ 72% đồng ý tăng học phí lấy ở đâu ra? Nếu được hỏi, lớp các con tôi chỉ 1-2 phụ huynh đồng ý việc tăng học phí, còn lại đều phản đối” - chị Hương nói. Và chị khẳng định, chị chưa hề nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía nhà trường về việc lấy ý kiến phụ huynh. Mọi con số, thông tin chỉ do đọc báo mà biết. 

Chị Hoàng Thị Hiên (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng khẳng định, trong số 72% người đồng ý kia chắc chắn không có gia đình chị và rất nhiều phụ huynh khác trong lớp. 

"Dịch bệnh vừa đi qua, chúng tôi còn rất nhiều khoản phải chi trả. Hơn nữa, mức học phí tăng như vậy không phù hợp với những gia đình nông thôn.

Vậy nên việc 72% người dân đồng tình với dự kiến mức thu học phí khiến tôi khá ngạc nhiên. Dựa vào đâu để có con số như vậy?" - chị Hiên băn khoăn.

Chỉ khảo sát 1 số phụ huynh

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, kết quả lấy ý kiến này được thực hiện theo hình thức các phòng giáo dục, các trường công lập thực hiện. 74.000 người tham gia ý kiến là cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên các trường.

Quy trình thực hiện khảo sát diễn ra như sau: Sở GDĐT xây dựng mẫu phiếu lấy ý kiến gửi đến các phòng giáo dục các quận huyện, thị xã. Các phòng giáo dục gửi phiếu lấy ý kiến đến các nhà trường. Sau khi hoàn thành xong, các trường gửi lên phòng giáo dục. Các phòng giáo dục là đơn vị cuối cùng tổng hợp, xác nhận và gửi Sở GDĐT.

"Sở GDĐT chỉ yêu cầu khảo sát đối với cấp mầm non và THCS, lấy tối thiểu 15 đơn vị cho mỗi cấp. Mỗi cơ sở giáo dục công lập lấy tối thiểu 20 ý kiến đóng góp"  - đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho hay.

Theo số liệu thống kê của Phòng GDĐT huyện Hoài Đức, việc khảo sát được thực hiện đối với 15 trường mầm non, 15 trường THCS, mỗi trường khảo sát 20 giáo viên, 20 phụ huynh. Tỉ lệ đồng ý với dự thảo tăng học phí là 60%".

Tại nhiều quận, huyện khác, việc lấy ý kiến cũng được thực hiện với số lượng mẫu rất ít. Lý giải về việc tại sao việc lấy mẫu khảo sát không thực hiện trên diện rộng, lấy ý kiến tất cả phụ huynh ở các trường công lập, lãnh đạo 1 phòng GDĐT cho rằng, đơn vị chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Sở GDĐT và "Sở chỉ yêu cầu lấy số lượng mẫu như vậy". 

Dù nói là "lấy ý kiến" nhưng thực tế, việc khảo sát chỉ diễn ra với số lượng mẫu rất ít. Điều này khiến không ít phụ huynh băn khoăn, hoài nghi về độ chính xác của dữ liệu.

"Tôi rất hoan nghênh chủ trương lấy ý kiến của phụ huynh về việc tăng học phí. Tuy nhiên, việc khảo sát phải thực hiện khách quan. Cần phải tách bạch các đối tượng cụ thể trong khảo sát, lấy mẫu trên diện rộng mới có thể có số liệu chính xác" - anh Ngô Huy Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Minh Khánh (Hà Đông, Hà Nội) khẳng định, gia đình anh không ủng hộ việc tăng học phí bởi ngoài học phí còn phải gánh thêm rất nhiều phụ phí khác. 

"Việc thống kê số phiếu này phải lấy tỉ lệ của phụ huynh, những người chịu tác động trực tiếp mới chuẩn. Còn không thì thiếu khách quan, minh bạch với người dân" - phụ huynh này chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn