MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM. Ảnh: NT

Lời giải nào cho bài toán tăng học phí đại học?

Huyên Nguyễn LDO | 18/05/2022 11:13

GS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM cho rằng nghịch lý tại Việt Nam hiện nay là càng lên cao chi phí học tập lại thấp đi. Nếu cứ đánh bằng học phí thấp như vậy thì vô hình trung chỉ đáp ứng được phân khúc học phí thấp, chất lượng phần nào bị hạn chế.

- Thưa GS Nguyễn Minh Hà, năm học 2022-2023, nhiều trường đại học công lập sẽ có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Điều này sẽ có tác động như thế nào tới người học?

Khi các trường thực hiện tự chủ thì sẽ không hưởng ngân sách Nhà nước nữa, điều này khiến các trường buộc phải tăng học phí. Tuy vậy, trong thực tế cũng tăng chưa đủ để bù lại phần hao hụt này.

Về nguyên tắc, khi tăng học phí, thứ nhất các trường cần trang trải hoạt động để tồn tại và phát triển, thứ 2 nhằm mục tiêu nâng chất lượng đầu ra. Đặc biệt là ở các trường công khi không có lợi nhuận thì mục đích nâng cao chất lượng càng rõ ràng.

Các việc làm cụ thể như giảm quy mô sĩ số lớp, cải tiến phương pháp giảng dạy, chất lượng giảng viên, tăng hoạt động ngoại khoá và dịch vụ hỗ trợ… từ đó nâng chuẩn đầu ra.

Tuy nhiên, ở góc khác thì điều này cũng sinh ra mặt tiêu cực là tạo thêm gánh nặng đối với những em có hoàn cảnh khó khăn.

- Hiện nay các trường đã có những giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?

Hiện nay, các trường đều đưa ra chính sách học bổng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hay chia ra nhiều kỳ học để dễ đóng. Ngoài ra, cũng đẩy mạnh chính sách tín dụng.

Bên cạnh đó, nhiều trường có 2 hệ đại trà và chất lượng cao. Hệ chất lượng cao có học phí cao hơn, quy mô lớp nhỏ, thầy cô giáo tốt, nhiều hoạt động ngoại khoá mang lại cơ hội học tập, trải nghiệm cho người học nên chất lượng tốt hơn, ra trường khả năng có công việc tốt cao hơn.

So với học phí ở nước ngoài thì thấy mức học phí trong nước còn thấp. Chúng ta không thể bao cấp được mãi. Nhìn lại con em mình, ở bậc mẫu giáo 1 tháng đi học các chi phí phải mất khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Đáng lẽ càng lên cao thì mức bao cấp ít lại.

Mức học phí giữ thấp sẽ dẫn đến việc gia đình có điều kiện muốn cho con học tốt hơn nhưng trường trong nước không có điều kiện nên họ gửi con ra nước ngoài, cuối cùng tiền ở trong nước chảy ra nước ngoài. Giáo viên giỏi cũng chuyển sang dạy ngoài công lập, đi làm ngoài… vì mức lương không đủ "giữ chân". Nếu cứ đánh bằng học phí thấp như vậy thì vô hình trung chỉ đáp ứng được phân khúc học phí thấp, chất lượng hạn chế.

- GS có thể chia sẻ thêm về chính sách tín dụng cho sinh viên như thế nào là phù hợp?

Để giải quyết bài toán học phí, tôi cho rằng cần đẩy mạnh chính sách tín dụng. Người học sẽ được vay chi phí đi học không lãi suất hoặc lãi suất thấp, sau đó khi ra trường sẽ hoàn trả lại dần. Ở nước ngoài, chính sách này được thực hiện rất tốt và mang lại hiệu quả cao. Khi có chính sách tín dụng thì sinh viên cũng có thêm áp lực, động lực để phấn đấu.

Bên cạnh đó, người học đại học vừa có thể đi học và đã có khả năng đi làm rồi do đó sinh viên có thể làm thêm để trang trải một phần nào đó chi phí học tập. Việc tham gia thị trường lao động cũng giúp sinh viên nâng cao kỹ năng mềm.

Xin cám ơn ông!

Năm học 2022-2023, nhiều trường ĐH sẽ có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Hành lang pháp lý của việc tăng học phí này là Nghị định 81 của Chính phủ. Theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ cũng sẽ tăng (trừ khối ngành II, Nghệ thuật).

Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) tăng vừa phải hơn, ở mức 15,3%.

Đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được tự chủ mức 1 (tự bảo đảm chi thường xuyên), mức học phí với khối ngành Y Dược cao nhất có thể lên đến 4,9 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Còn với các trường đã được tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí nhóm ngành Y Dược tối đa có thể lên đến trên 6 triệu đồng/tháng.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn