MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh vào học lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ được quyền lựa chọn môn học. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Lựa chọn môn học lớp 10: Chọn rồi có đổi lại được không?

Huyên Nguyễn LDO | 28/04/2022 10:05

Nhiều trường học, phụ huynh, học sinh thắc mắc: "Khi học sinh đã lựa chọn môn học lớp 10 nhưng sau đó muốn đổi lại có được hay không?", đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã trả lời Lao Động về vấn đề trên.

Các trường THPT trên cả nước đang triển khai xây dựng chương trình giảng dạy lớp 10 năm học 2022-2023 với điểm mới là học sinh được lựa chọn môn học.

Ở chương trình mới, học sinh học tất cả 12 môn. Trong đó, 7 môn và hoạt động bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.

Năm môn học khác sẽ được lựa chọn từ ba nhóm (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Ngoài ra, sẽ có những học phần chuyên đề.

Theo lý thuyết, học sinh có 252 tổ hợp môn lựa chọn nhưng khảo sát của Lao Động cho thấy, phần lớn trường chỉ đưa ra 5-15 phương án để học sinh lựa chọn. 

Liên quan tới việc chọn môn, thắc mắc chung của nhiều phụ huynh, học sinh, nhà trường là việc thay đổi môn học sau khi đã chọn. Bà Hoàng Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý (TPHCM) cho hay, các trường đang lúng túng nếu có trường hợp học sinh đã học được một thời gian nhất định nhưng sau đó cảm thấy không phù hợp và muốn đổi tổ hợp thì có được phép hay không?

Trong khi đó, một số trường học thông báo rõ ràng học sinh sẽ học nhóm môn đã chọn suốt 3 năm học.

Chia sẻ về môn lựa chọn ở bậc lớp 10, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - cho biết, Thông tư 32 quy định căn cứ vào tình hình đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thì hiệu trưởng xây dựng một số tổ hợp phù hợp với nhu cầu của học sinh.

“Thực tế có tới 252 tổ hợp nên khi tổ chức môn học phải đảm bảo 2 vế là điều kiện của nhà trường và nhu cầu của học sinh phải phù hợp. Từ đó, nhà trường tư vấn và định hướng cho học sinh” - ông Thành cho hay.

Trả lời về việc có được đổi môn học lựa chọn hay không, ông Thành cho hay, văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023; trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 nêu rõ: "Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GDĐT".

Văn bản số 1496 lưu ý thêm: Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.

Mỗi trường THPT xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học); vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Nhà trường công khai các tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp.

Xây dựng các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp; học sinh chỉ được chọn cụm chuyên đề trong các môn học bắt buộc và các môn học đã lựa chọn.

Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật), nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn