MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số ý kiến đang đề nghị lùi giờ vào học đến 8h để học sinh được ngủ đủ giấc, ăn sáng, nghỉ ngơi trước buổi học. Ảnh minh hoạ: Chân Phúc

Lùi giờ vào học đến 8h: "Tôi phải cho con nghỉ học hoặc chuyển trường"

HUYÊN NGUYỄN - PHƯƠNG NGÂN LDO | 26/10/2022 10:34

Nhiều ý kiến đang đề xuất lùi giờ vào học đến 8h để đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt của trẻ. Tuy nhiên, việc lùi thời gian học của trẻ sẽ kéo theo những áp lực giờ giấc đối với phụ huynh. Với nhiều công nhân lao động, nếu dời lịch bắt đầu vào học quá trễ thì kéo theo là những quyết định sẽ cho con nghỉ học, chuyển trường....

Chở con đi học, bố mẹ đi làm

Mỗi ngày, chị Cúc, công nhân Công ty Freetrend (TP Thủ Đức, TPHCM) đều phải dậy từ sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng cho 2 con, đưa con đến trường và nhanh chóng tới công ty. Gần đây, chị lo lắng trước nhiều kiến nghị các trường lùi giờ vào học, cho học sinh đi học trễ hơn để các em có thể ngủ đủ giấc, hoặc ăn sáng một cách đầy đủ trước khi đến trường.

“Sức khoẻ con tốt thì ai cũng mong muốn nhưng còn tuỳ điều kiện gia đình. Tôi có 2 con nhỏ, 1 bé học mầm non và 1 bé lớp 5. Nếu lùi giờ vào học xuống 8h thì gây khó khăn cho phụ huynh là công nhân. Mình đi làm sớm mà giờ vào học của con muộn hơn thì không phù hợp. Nếu áp dụng thật thì phải cho cháu đến sớm chơi ở trường chờ đến giờ vào học chứ ba mẹ không thể đi làm muộn được. Như vậy thì bố mẹ lại không an tâm, nguy hiểm lắm”, chị Cúc chia sẻ.

Tương tự, anh Phạm Đình Hợp (quê Hà Tĩnh) là công nhân Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (TPHCM) cũng bày tỏ không đồng tình với việc lùi giờ học quá muộn.

“Cả hai bé nhà tôi đều học bán trú vì mình đi làm công nhân không ai đưa rước. Hiện nay, giờ vào học đang là 7h20 nếu dời giờ học sẽ ảnh hưởng đến thời gian của ba mẹ. Sáng mình cho con ăn sáng rồi mình đi làm chở con đi luôn. Như vậy là thuận tiện. Nếu dời giờ học trễ thì chắc không thể cho con đi học luôn hoặc phải cho con chuyển trường về quê học”, anh Hợp chia sẻ.

Đây cũng là tình cảnh của anh Đoàn Trần Nhiệm, công nhân công ty Nidec (TPHCM). Hai bé nhà anh Nhiệm đang học lớp 2 và lớp 5 với thời gian vào học là 7h15 và tan trường lúc 16h15. Với thời gian này, hai vợ chồng có thể chủ động đưa con đến trường, còn việc đón con sẽ thay phiên nhau hoặc phải nhờ người thân giúp đỡ.

“Tôi thấy thời gian vào học hiện nay là hợp lý. Với giờ giấc đi làm của công nhân (18-19h tan ca) thì sẽ khó khăn ở chiều đón về nhưng chủ động được chiều đưa đi. Nếu điều chỉnh lùi thời gian vào học thì khó khăn cả 2 chiều, chúng tôi không biết sắp xếp sao”, anh Nhiệm cho hay.

Chọn trường phù hợp

Chị Thu Thuỷ (phường 13, quận Tân Bình, TPHCM) – tư vấn về giáo dục, phụ huynh học sinh 2 bé bậc Tiểu học cũng băn khoăn về than phiền của một số phụ huynh.

“Tôi thấy nhiều phụ huynh kêu ca là con phải dậy từ 5h để đi học. Tôi lấy làm lạ và bất ngờ. TPHCM và nhiều tỉnh thành khác cũng đều bố trí trường học đúng tuyến rất hợp lý, bán kính chỉ khoảng 3-5km, như ở phường tôi có đến 2 trường tiểu học. Như vậy nếu học đúng tuyến thì tại sao phải dậy từ 5h để đi học? Phụ huynh cần chọn trường phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Vợ chồng tôi bận rộn vì thế chọn trường đúng tuyến, gần nhà là ưu tiên số 1 để cả cha mẹ và con cái cùng không vất vả”, chị Thuỷ cho hay.

Phụ huynh này cũng cho rằng thực tế trẻ thiếu ngủ là do đi ngủ quá muộn chứ không hẳn vì phải dậy sớm đi học.

“Ngoài việc có thể bị giao quá nhiều bài tập, bận học thêm thì còn một nguyên nhân khác là ở những gia đình bố mẹ ít để ý đến con cái, các em thức khuya sử dụng điện thoại, máy tính nhiều nên đi ngủ muộn…. Như vậy, nếu giờ học có lùi lại cả tiếng đồng hồ, tôi nghĩ tình trạng khi đến lớp của các em sẽ uể oải, mệt mỏi nếu không thực hiện được thói quen đi ngủ sớm”, phụ huynh Thu Thuỷ bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn