MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xác định keyword là cách hiệu quả để đạt điểm cao môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới

Mẹo đạt điểm cao môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thùy Dương LDO | 07/05/2022 10:09

Cô Quan Thị Vân - giáo viên Trường THPT Chiêm Hóa (Tuyên Quang) sẽ chia sẻ những bí kịp giúp các em học sinh ôn thi hiệu quả, đạt điểm cao môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. 

Lập kế hoạch ôn thi

Theo cô Quan Thị Vân, lịch sử là một môn học đòi hỏi tư duy cao nên không chỉ học thuộc kiến thức, chăm chỉ giải đề mà cần có phương pháp học tập phù hợp mới đem lại hiệu quả cao. Để làm được điều này, các em học sinh cần căn cứ vào đặc điểm và khả năng nhận thức của mình để tự tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất.

"Trong giai đoạn nước rút, các em cần lập kế hoạch cá nhân, phân bổ thời gian hợp lí cho từng chuyên đề ôn tập. Ngoài tài liệu trắc nghiệm do giáo viên cung cấp học sinh tự luyện đề qua các kênh ôn tập có độ tin cậy cao để làm quen với nhiều dạng đề, tăng kĩ năng làm bài" - cô Vân nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm ôn thi, cô Vân cũng chỉ ra những sai lầm thường mắc phải trong quá trình thí sinh làm bài thi môn Lịch sử như coi việc luyện đề là quan trọng nhất, vội vàng luyện đề, trong khi kiến thức trọng tâm chưa nắm được; học tủ, học vẹt một số sự kiện; chỉ trú trọng học câu chữ mà không học nội dung, bản chất của kiến thức; chỉ học nội dung trong sách giáo khoa, chưa khai thác các kênh học khác,...

Xác định keyword

Ngoài việc nắm vững kiến thức trọng tâm và rèn các kĩ năng làm bài, cô Vân cho rằng, làm bài theo mẹo cũng là một cách nên khuyến khích vận dụng.

Đầu tiên, thí sinh cần tìm keyword (từ khóa) trong đề thi để xác định nội dung trọng tâm câu hỏi. Sao đó, cần đọc kĩ đề, tìm ra phương án trả lời nhanh và đúng nhất. Thí sinh chú ý, không tập trung quá nhiều thời gian vào câu khó, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. 

"Các em cần biết cách loại trừ phương án sai đối với những câu không nhớ chính xác phương án trả lời. Thay vì tìm phương án đúng, các em có thể tìm phương án sai để loại trừ càng nhiều phương án càng tốt, đến khi nhận thấy phương án khả thi nhất thì lựa chọn đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm" - cô Vân chia sẻ. 

Ngoài ra, để đạt được điểm cao trong môn Lịch sử, thí sinh cần biết cách phân biệt một số dạng câu hỏi thường gặp sau để trên cơ sở đó có các phương án trả lời cho từng dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

Cụ thể, đề thi sẽ có 6 dạng câu hỏi như sau: Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn phương án trả lời đúng; dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng nhất; dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải hoàn thành câu bằng hình thức điền vào ô trông những kiến thức đúng; dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải kết nối đúng hoặc sắp xếp đúng trật tự lôgic của các sự kiện, hiện tượng lịch sử theo cách: sự kiện nào có trước, có sau, sự kiện nào quyết định sự kiện nào, sự kiện nào là nguyên nhân, sự kiện nào là hệ quả....; dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh đọc hiểu một đoạn văn bản, dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải lựa chọn ý phủ định khi câu hỏi cố tình sai buộc thí sinh nêu quan điểm khoa học trước các câu hỏi như vậy.

Sau khi đã xác định được các dạng câu hỏi, thí sinh tiến hành đọc tất cả các câu hỏi và đáp án có trong đề thi, từ đó xác định các câu hỏi dễ để trả lời trước, không cần theo thứ tự.

Trong quá trình làm bài cần đọc kĩ đề, xác định (gạch chân) từ khóa trong đề để hiểu rõ yêu cầu của đề. Đây là khâu hết sức quan trọng để các em không bị lạc đề trong quá trình làm bài.

Đối với những câu hỏi thí sinh không nắm chắc hoàn toàn kiến thức thì có thể thực hiện phương án loại trừ như phần trên đã nói.

"Lịch sử là môn nổi tiếng với nhiều mốc thời gian và sự kiện, nhiều con số. Nhưng không phải là không có cách để nhớ những mốc sự kiện đó. Nếu các bạn xây dựng được cách học thì việc đạt được điểm cao môn Lịch sử sẽ không còn là mối lo" - cô Vân nhắn nhủ tới các thí sinh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn