MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tết thầy là nét đẹp thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Ảnh: NVCC (Chụp trước dịch COVID-19)

Mùng 3 Tết thầy - nét đẹp truyền thống của người Việt đầu xuân năm mới

Vân Trang LDO | 03/02/2022 13:06

Với nhiều thầy cô giáo, món quà tuyệt vời nhất trong dịp đầu xuân năm mới là những tình cảm chân thành, mộc mạc và những lời chúc thân thương học trò gửi tặng.

Mỗi độ Tết đến xuân về, đúng ngày mùng 3 Tết Âm lịch hằng năm, ngôi nhà nhỏ của cô Lê Thị Hạnh – giáo viên Trường THPT Việt Yên 2 (Việt Yên, Bắc Giang) lại ngập tràn tiếng cười, tíu tít trò chuyện của bao thế hệ học trò đến thăm, chúc mừng năm mới.

Cô Hạnh cho biết, mỗi độ Tết đến, người Việt thường nhắc lại câu nói dân gian “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” nhằm tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục, truyền dạy kiến thức của cha mẹ, thầy cô giáo. Vì vậy, rất nhiều học sinh mong chờ đến ngày mùng 3, xem như thông lệ, cả lớp tụ tập, quây quần, gặp lại thầy cô giáo cũ để thăm hỏi, hàn huyên những câu chuyện, nhớ lại kỉ niệm xưa.

Hơn nhiều năm gắn bó với nghề giáo, chứng kiến bao thế hệ học trò trưởng thành, khôn lớn, món quà tuyệt vời nhất đối với cô Hạnh là những tình cảm chân thật, mộc mạc và những lời chúc thân thương học trò gửi tặng nhân ngày đầu xuân năm mới.

“Thực sự, không nghĩ học sinh có thể nghĩ ra những lời chúc giản dị nhưng ý nghĩa, khiến mình xúc động.

Nhiều cựu học sinh, thời điểm còn ngồi trên ghế nhà trường, việc thổ lộ tình cảm với thầy cô đôi lúc khiến các em rất ngượng. Nhưng khi ra trường, các em luôn nhớ tới thầy cô, gửi những tin nhắn chúc mừng khiến tôi vô cùng xúc động. Thậm chí có những em đã ra trường, thành đạt, có gia đình dẫn cả con đến thăm tôi vào dịp đầu năm mới.

Nhiều học sinh còn áp dụng công nghệ, sử dụng những tư liệu ảnh cũ, lắp ghép thành câu chuyện theo dòng thời gian, gửi tặng tôi. Có những em học sinh ra trường, lập gia đình rồi vẫn đến nhà, dẫn cả con đi. Đây là những món quà rất ý nghĩa mà tôi nhận được mỗi độ Tết đến xuân về” – cô Hạnh chia sẻ.

Món quà quý giá nhất cô Hạnh nhận được trong ngày đầu xuân năm mới là tình cảm chân thành, những lời chúc thân thương của bao thế hệ học trò. Ảnh: NVCC (ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát).

Nhớ lại quãng thời gian hơn 10 năm công tác trong nghề, kỉ niệm khiến cô Hạnh nhớ nhất là thời gian cô mới ra trường, được phân công dạy học tại Trường THPT Sơn Động 3 (Bắc Giang) – nơi có rất nhiều học sinh khó khăn.

“Tôi ở tập thể, lại mới ra trường nên không nghĩ học sinh tình cảm như vậy. Các thầy cô nghỉ Tết, học sinh mang bánh chưng, xôi, đồ ăn,… của gia đình đến tặng. Khi nhận được những món quà ấy, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và xúc động. Tôi không chỉ đón nhận tình cảm của học trò mà qua đó, còn có cơ hội biết thêm về phong tục tập quán, văn hóa nơi mình dạy” – cô Hạnh kể lại.

Nhớ lại mùng 3 Tết những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Lê Thị Hiền – Giáo viên Trường THCS Đông Anh (Đông Sơn, Thanh Hóa) không khỏi xúc động: "Ngày xưa, các thầy cô giáo chủ yếu sinh sống cùng làng, cùng xã nên thành lệ, cứ đến mùng 3, cả lớp rồng rắn đến nhà các thầy cô chúc Tết. Một vài năm sau, kinh tế có phần ổn định hơn, học trò chúng tôi mua những thùng mỳ tôm đến nhà thầy cô chúc Tết, cùng nhau nấu ăn, cười nói vui vẻ".

Với cô Hiền, theo một cách nào đó, học trò sẽ gửi tới thầy cô những lời chúc tốt đẹp, ý nghĩa vào ngày Tết. Cá nhân cô Hiền, cứ đến dịp đầu xuân năm mới, học trò sẽ gọi điện, hỏi thăm và gặp nhau để hàn huyên lại kỉ niệm xưa.

"Như vậy, dù cách thể hiện có khác nhau nhưng tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn vẫn luôn ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ học trò" - cô Hiền vui vẻ nói.

Tết thầy là nét đẹp thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Ảnh: Thiều Trang

Chia sẻ về món quà ý nghĩa nhất học sinh dành tặng cho mình dịp Tết Nguyên đán, cô Hiền cười dịu dàng và nói:

“Học sinh đến với tôi ngày lễ Tết không đem theo bất kỳ món quà vật chất nào. Điều tôi quý và ấn tượng nhất chính là tình cảm của các em dành tặng tôi, dù là học sinh tôi đang dạy hay nhiều em khóa cũ đã ra trường, lên đại học, đi làm,… nhưng vẫn luôn nhớ về thầy cô trong ngày lễ đặc biệt này. Đó là điều tôi vô cùng trân quý”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn