MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh, phụ huynh cảm thấy mệt mỏi vì các kỳ thi học sinh giỏi. Ảnh: LĐO

“Nếu chọn lại, em nhất định không thi học sinh giỏi”

Thanh Hồng - Tường Vân LDO | 06/03/2022 10:25

Nhớ về quãng thời gian mất ăn, mất ngủ để ôn luyện, giành giật “tấm vé” vào đội tuyển thi “học sinh giỏi” (HSG), rất nhiều học sinh bày tỏ sự hối hận vì cái mác HSG không đem lại niềm vui, sự tự hào mà trở thành nỗi ám ảnh tâm lí không bao giờ xóa được.

Nỗi ám ảnh mang tên “Học sinh giỏi”

Dù đã 12 năm trôi qua, nhưng cứ mỗi lần nhớ lại quãng thời gian ôn thi HSG quốc gia năm xưa, Lê Thu Trang - cựu học sinh Chuyên Vật lý trường THPT Chuyên Lam Sơn ( Thanh Hoá) không khỏi rùng mình, ám ảnh.

Thời điểm đấy, kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học được tách riêng biệt. Kết thúc kỳ thi HSG quốc gia, Thu Trang vội vã lao đầu vào ôn luyện, chuẩn bị cho 2 kỳ thi quan trọng. Trong 6 môn thi tốt nghiệp, cô mất gốc tới 5 môn học. 

“Thi thử tốt nghiệp điểm của mình thấp nên thực sự rất ám ảnh, căng thẳng cực độ. Sợ nhất là mang tiếng đi thi HSG quốc gia, là học sinh trường chuyên mà trượt tốt nghiệp. Mà đã trượt tốt nghiệp thì coi như cánh cửa đại học cũng khép lại” – Thu Trang chia sẻ.

Lê Thu Trang- cựu học sinh Chuyên Vật lý trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá) cảm thấy hối hận khi năm xưa chỉ tập trung ôn luyện thi đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.   

Dù đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định nhưng quãng thời gian ôn thi HSG, thi đại học luôn là nỗi ám ảnh tột cùng đối với Thu Trang.

“Thi đại học xong, mình nhận ra bị rối loạn nhịp sinh hoạt, đau dạ dày, mất ngủ triền miên... Nếu được lựa chọn lại, mình sẽ chọn học đều chứ không chỉ tập trung cho môn thi HSG” – Trang bày tỏ.

Từng miệt mài ôn luyện, trải qua bao căng thẳng, áp lực đến ngột thở để giành giật “tấm vé” vào đội tuyển thi HSG quốc gia nhưng khi nhìn lại quãng thời gian ấy, Lê Ngọc Mai - cựu học sinh Chuyên Sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá) cảm thấy hối hận và nuối tiếc.

“Em đi thi không có giải, vội lao đầu vào ôn thi đại học. Cái giá của việc thi HSG là học lệch, mà đã lệch rồi thì rất khó để nắn lại. Em vẫn nhớ như in ngày thi môn Toán của kỳ thi đại học, em cố làm bài trong trạng thái thấp thỏm lo âu. Phần vì căng thẳng, áp lực, phần là do mất gốc. Kết quả, em chỉ đạt 19.5 điểm khối B và mất cơ hội vào các trường đại học Y Dược” – Ngọc Mai bùi ngùi kể lại.

Tuổi 18, lần đầu đối diện với thất bại, điều khiến Ngọc Mai ám ảnh hơn hết là nỗi xấu hổ với thầy cô, bạn bè cùng trang lứa, sự cắn rứt khi bố mẹ mang tiếng có con đi thi HSG Quốc gia nhưng trượt đại học.

“May mắn, thời điểm ấy, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần, động viên em ôn thi lại. Năm sau, em đã đỗ Trường Đại học Y Thái Bình. Đáng lẽ ra khi ấy, em không nên lựa chọn con đường ôn thi HSG sẽ không bị chậm lại 1 năm so với bạn bè cùng trang lứa” – Mai chia sẻ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn