MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh ám ảnh khi phải học thuộc hàng chục bài văn mẫu trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: Lao Động

Nhiều học sinh áp lực khi phải học thuộc hơn chục bài văn mẫu để đi thi

TRÀ MY LDO | 06/08/2022 06:47

Nhiều học sinh cảm thấy ám ảnh phải học thuộc lòng hơn chục bài văn mẫu trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Nỗi ám ảnh học văn theo mẫu

Mặc dù vừa trải qua kì thi tốt nghiệp THPT nhưng khi nhắc lại chuỗi ngày ôn thi môn Ngữ văn, em Ngô Thị Yến Vy (Bình Lục, Hà Nam) vẫn còn sợ hãi bởi trước khi thi, em đã phải cố nhồi nhét để học thuộc tới hơn chục bài văn mẫu.

“Em cứ lẩm nhẩm răm rắp theo văn mẫu đều đặn hàng ngày. Bản thân em xác định lấy điểm trung bình để qua môn nên học thuộc văn mẫu là việc em phải làm. Có nhiều khi em định từ bỏ vì quá chán nản nhưng không còn cách nào khác” - Yến Vy bày tỏ và nói thêm rằng, em ý thức được  văn mẫu chỉ là tài liệu để tham khảo chứ không phải để học thuộc và viết y đúc lại. Tuy vậy, em vẫn cố học theo cách này vì thực tế, khi viết theo văn mẫu có thể còn được thầy cô chấm điểm cao hơn bài văn tự làm, tự sáng tạo.

“Văn em tự làm thường được 5 điểm còn khi chép theo mẫu, điểm vượt trội hẳn. Có những bài em sao chép y chang văn mẫu còn được 9 điểm. Sự sáng tạo nhưng không đúng ý của thầy cô thì đúng cũng thành sai, hay cũng thành dở.

Do đó, dù biết rõ việc học theo văn mẫu là không tốt nhưng em và nhiều bạn vẫn bất chấp để học. Em thường học thuộc theo các ý cô phân tích hoặc học theo bài văn mẫu trong sách tham khảo” - Yến Vy cho hay.

Trước thông tin từ năm học tới, việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn sẽ không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, Yến Nhi nói: “Nếu điều này được áp dụng thật thì em cảm thấy mừng cho khoá sau. Các bạn có thể thoải mái sáng tạo, dễ dàng hành văn theo cách riêng của mình mà không bị gò bó trong khuôn mẫu. Bản thân từng phải học thuộc văn mẫu nên em biết đó là một gánh nặng rất mệt mỏi”.

Văn mẫu là “vật bất ly thân”

Nhiều học sinh thừa nhận, khi học văn, các em không còn khái niệm tìm tài liệu để đọc, viết bài văn bằng suy nghĩ, cảm xúc riêng của mình nữa mà mỗi khi giáo viên cho đề bài về nhà sẽ vội vàng “bê” nguyên si sách văn mẫu, tìm bài viết sẵn trên mạng và chép vào.

Thậm chí, văn mẫu còn trở thành một vật bất ly thân không thể thiếu trong quá trình học tập và ôn luyện của các em.

“Năm học nào em cũng đều phải trang bị đầy đủ các sách văn mẫu. Nếu thiếu đi văn mẫu thì điểm văn của em sẽ mãi lẹt đẹt 4-5 điểm. Em thấy thầy cô rất “chuộng” những bài văn mẫu có sẵn nên việc của em chỉ là cố gắng học thuộc tất cả” - em Nguyễn Hồng Ngọc, học sinh lớp 12 tại Hạ Long, Quảng Ninh kể lại.

“Lúc đi thi tốt nghiệp THPT em run và sợ lắm. Nếu bình thường tự kiến thức mình học, hoàn toàn có thể suy nghĩ và tiếp tục viết tiếp mỗi khi bí từ hay gặp câu hỏi khó.

Nhưng vì học thuộc văn mẫu nên nhiều lúc, chỉ quên đi 1 đoạn là em lại phải mất rất nhiều thời gian để cố nhớ những gì đã học thuộc. Nhiều lúc, em phải nhẩm lại từ đầu mới nhớ ra đoạn đã quên” - nữ sinh tâm sự.

Hồng Ngọc cho biết thêm, việc sử dụng văn mẫu từ lâu đã trở thành thói quen xấu khi làm bài của nhiều học sinh và em đồng ý với việc đổi mới cách ra đề thi môn Ngữ văn để học sinh dần từ bỏ việc học theo văn mẫu.

Để tiếp tục khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Bộ GDĐT cầu các sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường đổi mới cách dạy và cách học môn Ngữ văn.

Trong đó, đáng chú ý là từ năm học tới, đề kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn sẽ không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. 

Nhiều giáo viên, học sinh kỳ vọng, sự đổi mới này có thể phát huy tư duy của học sinh đồng thời khắc phục tình trạng đọc, chép văn mẫu - vốn là vấn đề nan giải trong thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn