MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện cả nước mới có 14 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn. Ảnh: Bích Hà

Những lý do không thể trì hoãn việc sớm cho học sinh quay trở lại trường

Thiều Trang - Đặng Chung LDO | 19/01/2022 11:41

Theo các chuyên gia, học sinh sẽ gặp vấn đề về tâm lý và sức khỏe thể chất khi phải học trực tuyến, qua truyền hình trong thời gian dài. Vì vậy, giải pháp cần triển khai nhanh chóng hiện nay là đề ra lộ trình đưa học sinh quay trở lại trường học.

Không mở cửa trường học gây ảnh hưởng tâm sinh lý học sinh

Là chuyên gia tư vấn tâm lý, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, học sinh khi phải học trực tuyến, qua truyền hình thời gian dài sẽ gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe thể chất. 

Theo đó, việc không được đến trường dẫn đến các mối quan hệ bạn bè, hoạt động vui chơi ngoài trời bị gián đoạn khiến trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cảm thấy cô độc, sợ hãi. Bên cạnh đó, việc học trực tuyến nhiều giờ, lặp đi lặp lại, bó hẹp trong gian nhỏ khiến trẻ dễ có cảm giác bị cô lập, bỏ rơi và buồn chán.

Ngoài ra, việc ở nhà thời gian dài, tiếp cận với phương tiện Internet nhiều nhưng thiếu kiểm soát dễ khiến trẻ lạm dụng game, rối loạn cảm xúc, kích động, hoang mang. Tình trạng cha mẹ giám sát quá chặt và can thiệp vào việc học của con cũng khiến trẻ sợ hãi, lo lắng, mất phương hướng.

Trước thực trạng này, cả thầy và trò đều bị động trong việc dạy và học online, khiến học sinh gặp khó trong tiếp thu kiến thức. Thêm vào đó chất lượng đường truyền kém, phương tiện học tập không đảm bảo với màn hình nhỏ cũng khiến học sinh căng thẳng, mệt mỏi, giảm trí nhớ.

Minh họa bằng thống kê gần đây của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho biết, tỉ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tặng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM về các vấn đề sức khỏe tinh thần của sinh viên cho thấy: 56,8% thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do. 

Cơ sở và điều kiện để đưa trẻ trở lại trường 

Trước tình hình trên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, giải pháp cần triển khai nhanh chóng hiện nay là đề ra lộ trình đưa học sinh quay lại trường học, cần triệt để đổi mới phương thức học tập từ 100% trực tiếp hoặc 100% online sang hình thức dạy học kết hợp. 

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục vừa đảm bảo các nội dung chuyên môn, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch, xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học tập.

Đồng thời, xây dựng lại hệ thống kiểm tra đánh giá để đảm bảo đánh giá đúng năng lực người học trong cả phương thức học tập trực tiếp, học trực tuyến hay học tập kết hợp, tránh gian lận trong thi cử và các hình thức biến tướng khác.

Khẳng định vaccine đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa COVID-19 và an toàn của trẻ khi trở lại trường học, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho rằng, tiêm vaccine giúp cho trẻ bảo vệ bản thân, bảo vệ các thành viên xung quanh, đặc biệt là giúp trẻ có thể tiếp tục đến trường và tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi và nhiều hoạt động nhóm một cách an toàn.

Theo đó, cha mẹ cần đảm bảo tất cả các thành viên đủ điều kiện trong gia đình đều được tiêm vaccine đầy đủ. Cần nắm các thông tin về quy định ứng phó COVID-19 cụ thể tại trường học của con em mình. Đồng thời, chuẩn bị tâm lý cho các con đi học, hướng dẫn dự phòng 5K cẩn thận.

Nếu các con có bất kỳ dấu hiệu bệnh như sốt, nghẹt mũi, đau họng hoặc ho, không nên cho con đến trường. Nếu con đã tiếp xúc với người mắc COVID-19 hãy giữ con ở nhà và tuân theo khuyến cáo của y tế địa phương về việc tự cách ly.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, cơ sở và điều kiện để đưa trẻ trở lại trường học hiện nay là tiếp tục bao phủ vaccine, đặc biệt và vaccine cho trẻ đến tuổi đi học (5 tuổi trở lên). Đồng thời nêu cao trách nhiệm của gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ thường xuyên, phối hợp ngành giáo dục và Y tế trong ứng phó linh hoạt dịch COVID-19 ở nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn