MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phân luồng học sinh: Làm thế nào để hiệu quả mà không phản cảm?

Thiều Trang LDO | 24/04/2022 13:11

Phân luồng, hướng nghiệp học sinh ở cấp Trung học cơ sở (THCS) là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Nhưng hiện nay, mỗi nhà trường, địa phương lại có cách làm khác nhau. Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là làm thế nào để tư vấn, định hướng cho học sinh thật sự hiệu quả mà không khiến học sinh tự ti về năng lực của mình?

Học sinh tổn thương dai dẳng

"Hồi cấp 2, có một thầy giáo nói với em rất nhiều câu kiểu khuyên nhủ có, mỉa mai có, thậm chí sau cùng là khẳng định em không thể đậu trường cấp 3 công lập.

Lý do là em có phần lười học, hơi ham chơi năm lớp 9 và học không tốt môn của thầy" - đó là lời bộc bạch của Nguyễn Thị Ngọc Anh (Đắk Lắk) khi nhớ lại năm cuối cấp THCS nhiều bão táp.

Ra trường đã lâu, nhưng những lời "định hướng" của thầy giáo năm ấy vẫn là vết thương lòng dai dẳng, đeo bám Ngọc Anh đến tận bây giờ. Về sau, Ngọc Anh vẫn đậu trường cấp 3 công lập và đủ điểm vào lớp chọn của trường. Em nói, đó là minh chứng rõ nét nhất, cho tất cả mọi người thấy rằng "thầy đã sai khi nói ra những lời như thế".

"Em tin rằng, mình không phải nạn nhân duy nhất của những lời phán xét chủ quan như vậy. Còn rất nhiều anh chị khoá trước, các bạn cùng khoá thậm chí là đến tận bây giờ vẫn có.

Nghĩ mà xem, ở độ tuổi 14, 15, suy nghĩ chúng em còn non nớt, trẻ dại lại ham chơi, lười học. Chúng em cần một người định hướng, uốn nắn và nhiều hơn hết là sự động viên, ủng hộ để tiến lên, thay vì những lời nói khiến chúng em nhụt chí, nản lòng" - Ngọc Anh bộc bạch.

Không may mắn như Ngọc Anh, em Trịnh Minh Tuấn (Thanh Hóa) đã quyết định dừng việc học ở độ tuổi 15 và bươn chải bằng nghề đá ốp lát.

Tuấn kể: "Giáo viên chủ nhiệm nói rằng, em không đủ khả năng đậu cấp 3, có cố cũng không được, tốt nhất nên đi học bổ túc (trung tâm giáo dục thường xuyên). Những lời nói đó lặp đi lặp lại trong các tiết học, cô còn nói với bố mẹ em. Vì vậy, em đã quyết định bỏ học, không thi cấp 3 và đi làm".

Nhìn các bạn đồng trang lứa cắp sách đến trường, mặc đồng phục đẹp đẽ vào lớp, Tuấn cũng chạnh lòng. Nhiều lúc em mong được quay trở lại học tập, em ước ngày đó mình được thầy cô bên cạnh cổ vũ, được bố mẹ chia sẻ để nỗ lực cố gắng hơn nữa. 

Nhiều em chọn nghỉ học để đi làm tự do kiếm sống. Ảnh: NVCC

Cần khéo léo trong phân luồng học sinh

Trên thực tế, phân luồng, hướng nghiệp ở cấp THCS là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Trong quá trình học tập, học sinh được tư vấn giúp định hướng các bước đi sau khi tốt nghiệp THCS.

Trao đổi về vấn đề trên, cô Nguyễn Thị Phương - giáo viên tiếng Anh cấp THCS tại Thanh Hóa - cho biết, lâu nay, các trường vẫn tiến hành tư vấn cho học sinh để các em cân nhắc những hướng đi khác ngoài vào lớp 10 công lập.

Theo đó, dựa trên kết quả học tập của học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi với thầy cô bộ môn để thảo luận thêm về những trường hợp học sinh có điểm số thấp, học lực chưa tốt.

"Trên cơ sở đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi với phụ huynh và học sinh, chỉ ra những hướng đi phù hợp với năng lực của người học. Việc này giúp học sinh xác định được kế hoạch trong tương lai, nỗ lực cố gắng bứt phá ở chặng cuối, chủ động chọn nơi học tập để không bị sốc tâm lý trong mọi hoàn cảnh.

Tất cả trao đổi đều phải khéo léo, hạn chế tối đa việc gây tổn thương cho học sinh. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các em tìm hiểu về các hướng đi, biết cách chọn ngành, chọn nghề phù hợp với điều kiện gia đình, năng lực và nguyện vọng của bản thân" - cô Phương chia sẻ.

Học sinh cấp THCS cần được tư vấn, định hướng đúng đắn. Ảnh: Hải Nguyễn

Cô Lê Thị Mai - giáo viên Sinh học cấp THCS tại Bình Dương cũng cho rằng, phải tư vấn rõ cho phụ huynh vì có nhiều giáo viên tư vấn không khéo, khiến phụ huynh cảm thấy tự ái hoặc nghĩ giáo viên trù dập, không cho con họ thi vào lớp 10.

"Giáo viên cần hành xử khéo léo, giúp phụ huynh hiểu rõ về việc định hướng, phân luồng học sinh cấp THCS. Đặc biệt, giúp cha mẹ các em hiểu rõ những ưu điểm, lợi thế khi các em chọn những hướng đi khác. Từ đó, họ sẽ chọn cho con một môi trường thật sự phù hợp, nơi các em có thể phát triển tốt nhất" - cô Mai nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn