MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2023, nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Ảnh: Hải Nguyễn

Quá nhiều kỳ thi để xét tuyển đại học, thí sinh nên ôn luyện như thế nào?

Tường Vân LDO | 13/02/2023 10:51

Việc ra đời các kỳ thi độc lập trong xét tuyển đại học đã khiến nhiều giáo viên, học sinh cảm thấy căng thẳng, áp lực.

Cô, trò đều áp lực

Nhiều năm trở lại đây, các trường đại học có xu hướng sử dụng kết quả các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá chuyên biệt… (kỳ thi riêng) để tuyển sinh.

Hiện, cả nước có gần 10 cơ sở đào tạo đại học công bố tổ chức kỳ thi riêng để phục vụ cho thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2023. Thí sinh có thể đăng ký tham dự nhiều kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học.

Em Nguyễn Thị Thanh (Hà Nội) sẽ tham gia 3 kỳ thi gồm thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Để chuẩn bị cho các kỳ thi, Thanh đã phải vạch ra kế hoạch ôn tập chi tiết theo từng ngày. Có nhiều ngày trong tuần, ngoài thời gian lên lớp, em phải học thêm 3 ca liên tiếp.

"Các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường tổ chức có cấu trúc đề, nội dung khác nhau nên việc ôn tập rất vất vả. Ngoài học trên trường, còn phải học thêm, phục vụ thi đánh giá năng lực. Em sắp xếp các ca học đan xen, bổ trợ kiến thức cho nhau để có thể cùng lúc tham gia 3 kỳ thi" - Thanh chia sẻ.

Nhiều học sinh quay cuồng với việc học, tham gia nhiều kỳ thi cùng lúc để xét tuyển đại học. Ảnh: Hải Nguyễn

Cô Đinh Thị Quỳnh Dương, giáo viên tại TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) nhận xét, các kỳ thi riêng ra đời được xem là giúp các thí sinh tăng cơ hội xét tuyển vào đại học.

Tuy nhiên, việc gia tăng số lượng các kỳ thi riêng đôi khi lại tạo nhiều áp lực, khó khăn cho cả cô và trò.

Cụ thể, với những học sinh ở thành phố lớn, điều kiện ôn tập nhiều hơn và nhiều phương thức tiếp cận với các nguồn thông tin hơn thì có thể đỡ bỡ ngỡ khi tham gia thi đánh giá năng lực.

Còn ở vùng sâu, điều kiện học tập bị hạn chế, việc tham gia thi đánh giá năng lực có rất nhiều hạn chế. Chưa kể, học sinh phải dàn trải ôn tập nhiều môn thay vì tập trung vào 3 môn khối thi đại học như trước kia.

"Thi đánh giá năng lực vào tháng 3 trong khi kiến thức học chưa hết nên việc ôn luyện của cô trò gặp nhiều khó khăn. Học sinh gặp phải vất vả di chuyển lên Hà Nội thi giống thi đại học trước kia. 

Vậy nên có nhiều e học tốt nhưng khi lên Hà Nội thi như thế cũng bị tâm lí, cơ hội vào đại học thu hẹp lại" - cô Dương nói. 

Tập trung ôn chắc kiến thức cơ bản

Với nhiều năm kinh nghiệm dạy học và ôn thi đại học, cô Quỳnh Dương nhận xét, để đạt kết quả cao trong các kỳ thi, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản.

Bên cạnh việc ôn tập, tham gia các kỳ thi riêng, học sinh vẫn nên dành thời gian ôn thi tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì phần lớn các trường, kể cả trường top trên vẫn có chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.

"Các em học sinh lưu ý không nên học lệch. Nếu thích môn tự nhiên thì vẫn đầu tư cho môn đó nhưng không được bỏ hẳn các môn xã hội.

Với những bạn có ý định dự thi đánh giá năng lực, có thể lên mạng tìm hiểu thông tin để biết cách thức thi, cấu trúc đề thi và vào các trang mạng để thi thử, định hình được đề thi. Dù vậy, điều quan trọng nhất vẫn là bám sát kiến thức cơ bản" - cô Quỳnh Dương nói. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn