MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh đến trường nhưng vẫn phải học trực tuyến vì giáo viên là F0. Ảnh: Tường Vân

"Quay cuồng" với các tiết học on-off, học sinh lớp 12 lo học lực giảm sút

Tường Vân LDO | 06/03/2022 16:00

Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh lớp 12 lo "sốt vó" vì học lực giảm sút khi phải học song hành hai hình thức trực tiếp - trực tuyến.

Mệt mỏi với những tiết học on - off

Em Nguyễn Lê An Khanh  - học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, chỉ sau vài tuần đến trường học trực tiếp, số ca F0 là học sinh, giáo viên tăng chóng mặt. Nhiều lớp đã phải chuyển sang hình thức học trực tuyến.

"Lớp em có 42 bạn thì tính đến ngày 4.3 đã có 26 bạn F0, cô chủ nhiễm cũng bị lây nhiễm và trở thành F0. Do số lượng học sinh F0 đông quá nên lớp em tạm thời chuyển sang học trực tuyến" - An Khanh nói. 

Nữ sinh chia sẻ, việc học on - off kết hợp kiến em thấy rất mệt mỏi và áp lực khi chỉ còn thời gian ngắn nữa là bước vào kỳ thi quan trọng.

Theo Anh Khanh, năm nay, nhiều bạn bè cùng trang lứa đầu tư cho việc học, ôn thi Ielts do có nhiều trường sử dụng kết quả chứng chỉ này là điều kiện xét tuyển đại học.

"Tiếng Anh không phải thế mạnh của em nên nhìn bạn bè đổ xô đi học, thi chứng chỉ em rất sốt ruột. Em dự định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và tham gia các bài thi đánh giá năng lực. Em chỉ hy vọng các bạn xét tuyển bằng điểm Ietls không ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển của mình" - An Khánh bày tỏ.

Biết rõ đây là giai đoạn nước rút để bứt phát, ôn luyện nhưng em Nguyễn Viết Huy - học sinh lớp 12 tại quận Hà Đông, Hà Nội không thể nào tập trung, dành hết sức lực cho việc học.

Vừa đi học trở lại được hơn 1 tháng nhưng Viết Huy đã có tới 2 lần nhiễm virus SARS-CoV-2 khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều. Em chia sẻ, việc học trực tuyến khiến em cảm thấy mông lung, phần kiến thức nào cũng thấy đuối nhưng lại khó tương tác, hỏi bài thầy cô như lên lớp học trực tiếp.

"Em áp lực muốn nghẹt thở. Thú thực, dù đã học online suốt học kỳ 1 nhưng em vẫn thấy rất khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức.

Mạng chán, em thường xuyên phải học bằng 3G, cô giáo cũng phải đăng kí 3G để dạy học. Nhiều hôm đang học hết 3G đúng là rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười"" - Huy bày tỏ. 

Hỗ trợ học sinh tối đa

Thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận lứa học sinh lớp 12 năm nay chịu nhiều thiệt thòi, vất vả khi phải liên tục chuyển đổi phương thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại. Tuy nhiên, dịch bệnh là điều không ai mong muốn, đòi hỏi cô trò phải thay đổi, thích nghi. 

"Thầy cô, học sinh đều rất vất vả. Ai cũng mong được đến trường trực tiếp nhưng dịch bệnh không cho phép. Để duy trì chất lượng dạy học, buộc các thầy cô phải thay đổi phương pháp giảng bài cũng như giáo án, tư liệu".

Thầy Nhâm cho biết, ngoài việc dạy học trên lớp, nhà trường đã xây dựng hệ thống học trực tuyến, hỗ trợ học sinh tự học. Giáo viên giao bài, tương tác trên hệ thống và qua đó, theo dõi học sinh nắm bài đến đâu, tốc độ hoàn thành đến đâu,..

"Trên hệ thống học trực tuyến, thông qua thầy cô chủ nhiệm, các em học sinh lớp 12 được cung cấp các đề thi thử của các trường. Từ đó có nguồn học liệu tham khảo, chuẩn bị kĩ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới" - thầy Nhâm nói.

Trước những lo ngại, băn khoăn của phụ huynh về chất lượng dạy học, thầy Nhâm cho rằng, việc học on-off là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Quan trọng là phụ huynh, giáo viên phải quan tâm, tương tác với học sinh nhiều hơn, không chỉ về kiến thức mà còn là vấn đề tâm lí, sức khỏe.

"Các em học sinh, đặc biệt khối 12 phải phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tính tự giác cao hơn. Kể cả thầy cô, bố mẹ có quan tâm, sát sao đến đâu mà các em không tự giác cũng không đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới" - thầy Nhâm nhắn nhủ tới các em học sinh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn