MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng đề nghị các ban ngành, trường học cần quan tâm hơn nữa tới sức khoẻ học sinh. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Sai lầm nhiều trường học mắc phải khiến ảnh hưởng sức khoẻ học sinh

Huyên Nguyễn LDO | 05/03/2022 19:05
Lạm dụng điều hoà, chưa quan tâm tới sức khoẻ học đường đang là những mối lo ngại ảnh hưởng đến học sinh, đặc biệt, trường càng có điều kiện càng dễ mắc phải.

Chia sẻ về quá trình khảo sát việc học sinh đi học trực tiếp trở lại, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay: “Thực tế hiện nay, một số trường, đặc biệt là ở các trường càng “có điều kiện” thì có vẻ như chúng ta đang lạm dụng sử dụng máy điều hoà nhiệt độ. Chúng tôi khuyến cáo việc này, về mặt thông thoáng không tốt cho sức khoẻ học sinh, không đảm bảo nồng độ dưỡng khí cần thiết trong phòng học”, ông Hưng bày tỏ.

Theo ông Hưng, các trường học nên hạn chế tới mức thấp nhất sử dụng điều hoà trong phòng học hoặc nếu thực sự cần thiết thì nên sử dụng ngắt quãng. Trong những lúc không quá nóng nực, ồn ào thì có thể mở cửa, như vậy sẽ tốt cho sức khoẻ các em. Việc sử dụng điều hoà thường xuyên không chỉ dễ lây lan dịch bệnh COVID-19 mà còn nguy cơ cao nhiều loại dịch bệnh khác.

“Qua thời gian dịch bệnh cho thấy, yêu cầu thông thoáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên của các phòng học là cực kỳ quan trọng” – ông Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Hưng chỉ rõ, thời gian qua, xã hội đang quá quan tâm tới COVID-19 mà quên rằng sức khoẻ học sinh còn bao gồm nhiều vấn đề khác. Hằng năm, vào đầu năm học, các trường đều tổ chức khám sức khoẻ cho học sinh, qua đó, phát hiện nhiều trường hợp có bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý cấp tính mà vì những lý do khác nhau phụ huynh chưa phát hiện được. Trong đó, có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập, nhiều nhất là tật khúc xạ bao gồm cận thị và một số ít hơn bị loạn thị…

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đánh giá tỉ lệ này đang khá cao. Theo ghi nhận của đơn vị này, ở các bậc học trung bình khoảng 40-60 % học sinh mắc các tật về khúc xạ. Bên cạnh đó, tỉ lệ cong vẹo cột sống cũng rất đáng quan tâm. Bác sĩ Hưng nhận định, qua thời gian nhiều tháng ở nhà do dịch COVID-19, tỉ lệ tật khúc xạ, cong vẹo cột sống ở học sinh không thể giảm, khả năng tăng là rất cao.

Cùng với đó, ông Hưng chỉ ra tỉ lệ béo phì cũng là điều mà trường học, phụ huynh nên chú ý. Từ những phân tích trên, ông Hưng cho rằng cần một kế hoạch tổng thể về tăng cường thể lực cho học sinh ở các trường học.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng bày tỏ trăn trở về thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế học đường.

“Chưa bao giờ chúng ta thấy được tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường. Trước đó ngành Y tế cũng đã có cảnh báo vì thời gian học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà. Đây cũng là môi trường để rèn luyện kỹ năng, sức khoẻ cho các cháu. Nếu có đội ngũ nhân viên y tế học đường tốt sẽ góp phần nâng cao thể chất, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây đang có xu hướng tăng lên ở học sinh TPHCM nói riêng và ở những thành phố có quá trình đô thị hoá nói chung” – ông Hưng cho hay và đề xuất cần phải quan tâm tới đội ngũ y tế học đường và công tác khám sức khoẻ học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn