MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phan Thu Thảo được lãnh đạo trường đại học đến tận phòng trọ chúc Tết, tặng quà để động viên tinh thần khi phải đi làm thêm dịp Tết. Ảnh: Uyên Trinh

Sinh viên tất bật đi làm thêm, kiếm tiền triệu dịp Tết Nguyên đán

TUỆ NHI LDO | 26/01/2023 06:30
Dịp Tết này, nhiều sinh viên đã tranh thủ cơ hội đi làm thêm thời vụ để có chi phí trang trải cho cuộc sống. Không chỉ vậy, các em còn học hỏi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức thực tế.

Tết đến, Quốc Tuấn - sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM không về quê mà chọn làm thêm xuyên Tết.

Là con út trong gia đình có 5 anh chị em ở Ninh Thuận, anh cả đã lấy vợ xa nhà, còn 2 anh, chị sinh trước Tuấn chẳng may đều bị câm điếc bẩm sinh nên gia đình rất khó khăn. Mọi thu nhập trông chờ vào nghề làm nông của ba mẹ. Vì thế, khi bạn bè lục đục rời thành phố về quê đón Tết, Tuấn ngậm ngùi ở lại.

"Những năm qua, em vừa đi làm vừa đi học, Tết đến cũng dành thời gian về với gia đình. Thế nhưng, năm nay, tình hình quá khó khăn, nếu về thì tiền tàu xe cũng mất một khoản. Ba mẹ em thì ngày càng lớn tuổi. Với lại, em cũng chưa biết sau Tết lấy đâu tiền đóng học phí học kỳ II. Do đó, năm nay em quyết định ở lại đi làm thêm kiếm tiền phụ gia đình” - Tuấn nói.

Chàng sinh viên Lưu Quốc Tuấn có dáng người nhỏ nhắn nhưng không nề hà bất cứ công việc gì. Suốt những năm qua, cậu trải qua rất nhiều công việc chân tay, như đi làm công trình, bốc vác, thợ hồ, thợ sơn.... Ảnh: NVCC

Chàng sinh viên cho biết không nề hà bất cứ công việc nào, nhận từ quét sơn, vệ sinh công nghiệp, phụ hồ, bốc vác... ai thuê gì làm nấy. Trung bình, mỗi ngày thù lao của Tuấn khoảng 450.000 đồng. Đến 27 Tết, những công việc này cũng vãn dần, em tìm thêm việc giữ xe cho những cửa hàng còn mở cửa.

"Nhìn bạn bè kéo hành lý về quê, em cũng chạnh lòng, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên phải cố gắng", Tuấn nói.

Vừa mong có thêm thu nhập lại được tích luỹ, trải nghiệm nhiều kỹ năng mềm nên Phan Thu Thảo - sinh viên năm 2 ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Gia Định, cũng dành thời gian nghỉ Tết đi làm thêm.

Thảo chọn làm một công việc phục vụ quán ăn trên đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) và cho biết nếu làm chăm chỉ cả dịp Tết thì cũng kiếm được vài triệu để lo cho việc học tập.

Phan Thu Thảo (trái) cảm thấy rất vui khi dù ở xa gia đình nhưng được nhà trường quan tâm, tổ chức Tết xa nhà cho sinh viên. Ảnh: NVCC 

Với nữ sinh viên năm 2, đi làm thêm giúp em có cơ hội trải nghiệm nhiều sự việc thực tế trong cuộc sống, rèn luyện khả năng giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm, áp lực công việc.... 

Còn với Trần Thị Thanh Trúc, sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM cũng lần đầu tiên ăn một cái tết xa gia đình.

Bùi ngùi chia sẻ về hoàn cảnh của mình, Trúc cho biết quê ở Bình Thuận. Cách đây 5 năm, trước khi Trúc vào đại học, gia đình đã phải bán đi căn nhà duy nhất và chuyển sang ở thuê. Nhà có 3 chị em, ở Bình Thuận nhưng chị gái đã lấy chồng ở Sóc Trăng, em trai nghỉ học từ lớp 10 đi làm thợ hồ, công việc bấp bênh. Mẹ Trúc bị gai cột sống, thoát vị đĩa đệm càng lúc càng nặng nên thu nhập chỉ còn trông mong vào bố đang làm bảo vệ, canh thuê vườn tược.

Tình cảnh gia đình khó khăn nên nữ sinh viên ở lại để làm thêm trong siêu thị với mong ước tiền công ngày Tết được trả gấp đôi bình thường sẽ phụ giúp được gia đình phần nào.

Trần Thị Thanh Trúc kể, nhìn những bạn cùng phòng lần lượt thu xếp hành lý về quê đón tết, bản thân Trúc không khỏi chạnh lòng. Tuy vậy, trong Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM cũng có những bạn như Trúc, với những hoàn cảnh, lý do khác nhau mà phải ở lại đón một cái Tết xa nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn