MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ mầm non tại TPHCM đi học trực tiếp. Ảnh: Huyên Nguyễn

Số F0, F1 tăng cao, TPHCM lý giải việc vẫn cho học sinh đi học trực tiếp

Huyên Nguyễn LDO | 03/03/2022 18:45
TPHCM - Trước thực tế học sinh là F0, F1 có dấu hiệu tăng nhanh, ngành Giáo dục và Y tế của TPHCM đang phối hợp đảm bảo phòng chống dịch trong trường học, cố gắng duy trì cả hình thức dạy học trực tiếp và gián tiếp.

Duy trì 2 hình thức dạy học

Những ngày qua, cùng xuất hiện nhiều học sinh, giáo viên trở thành F0 thì tại các cơ sở giáo dục, số F1 liên quan cũng tăng theo, nhiều lớp có đến nửa số học sinh phải học trực tuyến. Điều này dẫn đến nhiều phụ huynh thắc mắc số F0, F1 tăng cao, tại sao TPHCM vẫn cho học sinh đi học trực tiếp.

Chiều 3.3, lý giải về vấn đề trên, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM - cho biết, lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiếp tục cố gắng nỗ lực để triển khai tổ chức dạy học trực tiếp, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ông Trịnh Duy Trọng lý giải nguyên nhân số F0, F1 tăng cao nhưng vẫn duy trì dạy học trực tiếp tại họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 3.3. Ảnh: Thành Nhân

Theo đó, các trường học duy trì 2 hình thức dạy học trực tiếp và tổ chức kênh dạy học gián tiếp để đảm bảo việc học tập của các em học sinh, đảm bảo chất lượng trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời, khi các em học sinh học đi học trực tiếp trở lại sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các em, đảm bảo chất lượng đồng đều.

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, UBND TPHCM cũng đã ra văn bản điều chỉnh một số nội dung hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm, thống nhất các biện pháp, không đặt ra các quy định bổ sung.

Sở GDĐT TPHCM cũng có yêu cầu các phòng GDĐT tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương tiến hành kiểm tra, hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhất các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình dịch bệnh phức tạp để đảm bảo việc tổ chức đi học trực tiếp cho các em học sinh được an toàn ở mức tối đa có thể.

Thông tin thêm về việc đi học trực tiếp của học sinh trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng cao, ông Phạm Đức Hải - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM - nhấn mạnh 3 điều: Thứ nhất, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của trẻ em là trên hết, trước hết. Mọi quyết định đều phải hành xử theo quan điểm đó. Thứ hai, thành phố có một chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó có nhóm trẻ em nguy cơ cao.

Điểm thứ ba ông Hải cho rằng rất quan trọng là phụ huynh sẽ theo dõi sức khoẻ của con em mình, nắm bắt tình hình F0, F1 ở lớp con mình học, trường học để từ đó quyết định cho con mình học theo phương thức trực tuyến hay trực tiếp. Hiện nay, ngành Giáo dục vẫn đang nỗ lực để duy trì 2 hình thức đó và dù hình thức nào cũng đảm bảo chất lượng giáo dục.

Cơ bản hoàn tất chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho hay, ngành Y tế đã chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, cơ bản đã chuẩn bị hoàn tất.

“Tất cả trẻ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đều được tiêm, dự kiến có khoảng 970.000 trẻ ở nhóm tuổi này. Trong đó, nhóm trẻ đi học sẽ do ngành Giáo dục lập danh sách. Đối với trẻ không đi học sẽ do điểm tiêm cố định hoặc lưu động UBND địa phương bố trí, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp danh sách. Còn các trẻ đang điều trị tại cơ sở y tế thì do các cơ sở y tế lập danh sách” - ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC). Ảnh: Thành Nhân 

Lãnh đạo HCDC cũng thông tin thêm, công tác tiêm chủng sẽ thực hiện trên nguyên tắc từ lứa tuổi từ cao đến thấp. Dự kiến, mũi 1 sẽ tiêm trong 10 ngày, khi đủ thời gian tiêm mũi 2 thì cũng hoàn tất trong 10 ngày.

“Chiều nay (3.3), HCDC phối hợp các bệnh viện tổ chức tập huấn tiêm chủng tiêm cho trẻ em. Vì tiêm cho trẻ em phải kỹ lưỡng hơn so với người lớn. Trẻ em có một số vấn đề riêng của lứa tuổi này” - ông Tâm thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn