MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Tăng học phí có đi đôi với chất lượng không?"

Tường Vân LDO | 23/05/2022 17:54

Ngay sau khi có thông tin học phí sẽ tăng từ năm học sau, bên cạnh ý kiến phản đối, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: "Tăng học phí có đi đôi với chất lượng không?".

Học phí tăng, chất lượng cũng phải tăng

Từ năm học 2022-2023, Hà Nội dự kiến sẽ tăng học phí lên gấp đôi. Nếu so sánh mức học phí theo từng cấp và khu vực, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi năm ngoái.

Mức học phí này được đánh giá sẽ tạo gánh nặng không hề nhỏ với các bậc phụ huynh, đặc biệt những gia đình thu nhập thấp. Bởi cứ đến đầu năm học, ngoài học phí, phụ huynh còn phải dành ra khoản tiền lớn cho việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, các khoản thu phí đầu năm,...

Anh Ngô Văn Giang (quận Long Biên) nhận định, thực tế, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách miễn, giảm học phí, nên gánh nặng đã nhẹ phần nào. Còn với những phụ huynh có thu nhập trung bình khá trở lên, mức tăng không gây nhiều khó khăn, vì hàng tháng, phụ huynh phải chi khoản tiền lớn hơn nhiều lần học phí để con học thêm.

Do đó, anh đánh giá việc tăng học phí là cần thiết, đúng lộ trình nhằm tăng chất lượng giảng dạy trong các nhà trường, giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Tuy nhiên, điều phụ huynh này quan tâm là học phí tăng có đi kèm với chất lượng hay không.

"Học phí tăng nhưng cùng với đó, chất lượng đào tạo cũng phải được nâng lên. Đồng lương của giáo viên được cải thiện, thầy cô có thêm động lực gắn bó tâm huyết, cống hiến cho nghề. Học sinh được hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, không còn cảnh chạy xô tham gia các lớp học thêm ngoài giờ lên lớp,... Nếu làm được điều đó, tôi tin rằng, dù khó khăn, tất cả phụ huynh đều đồng thuận với câu chuyện tăng học phí" - anh Giang này tỏ quan điểm. 

 Phải xóa bỏ được tình trạng lạm thu ở các nhà trường

Liên quan đến vấn đề học phí dự kiến tăng gấp đôi khiến nhiều phụ huynh quan tâm, lo lắng, thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội cho rằng mức học phí hiện nay được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm; nằm trong khung quy định của Chính phủ.

"Thực tế, nhiều tỉnh thành hằng năm đều tăng khoảng 7,5% theo chỉ số tiêu dùng đối với học phí. Số tăng thu học phí một phần để cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại để chi sự nghiệp giáo dục hằng năm, bổ sung cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học" - giáo viên này phân tích và nói thêm rằng, việc tăng chi phí ở bất kì khía cạnh nào của cuộc sống thì phản ứng của tất cả mọi người ban đầu đều khó chấp nhận. Điều quan trọng là sự hợp lý và đúng thời điểm.

"Rõ ràng khi mới trải qua đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, đồng thời chi phí sinh hoạt tăng cao, thông tin sách giáo khoa tăng giá… mọi thứ bủa vây trong cuộc sống thì sự lo lắng của phụ huynh cũng là điều dễ hiểu.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới, người dân rất quan tâm đến tương lai giáo dục của con em nên sẵn sàng đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên cái cần thiết là sự minh bạch trong thu chi của nhà trường bấy lâu nay, đặc biệt là hệ thống trường công lập.

Thực tế hiện nay, các khoản chi khác trong năm học còn cao hơn nhiều so với học phí, chúng ta phải xóa bỏ được tình trạng lạm thu ở các nhà trường, đó mới là vấn đề khiến phụ huynh bức xúc chứ không hẳn là học phí" - thầy Hiền nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn