MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM cho phép tất cả các khối lớp đến trường học trực tiếp từ 14.2. Ảnh: Huyên Nguyễn

TPHCM: Những yêu cầu đặc biệt khi cho trẻ mầm non đến trường

Huyên Nguyễn LDO | 27/01/2022 19:44

TPHCM - Sau Tết, các trường mầm non sẽ chưa tổ chức ăn sáng cho trẻ.

Tổ chức phù hợp với dịch bệnh

Sở GDĐT TPHCM vừa hướng dẫn việc tổ chức hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non khi trẻ đến trường trên địa bàn.

Trước khi trẻ đến trường, Phòng GDĐT tổ chức kiểm tra rà soát số lượng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đủ điều kiện đón trẻ đến học trực tiếp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non đã giải thể, có kế hoạch điều tiết, phân công các trường trên địa bàn tiếp nhận trẻ.

Các đơn vị cần triển khai trong buổi họp với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ về sơ đồ đón, trả trẻ phù hợp theo điều kiện của từng cơ sở (trường có 1 cổng, trường có 2 cổng...; phân luồng di chuyển của các nhóm, lớp); phương án xử lý khi có ca F0 tại trường theo quy định của ngành Y tế.

Đối với trẻ có tình trạng dinh dưỡng thừa cân - béo phì, trẻ có bệnh lý nền, nhà trường cần trao đổi trực tiếp và tư vấn với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ để thống nhất việc cho trẻ đến trường.

Khi trẻ đến trường, các cơ sở giáo dục mầm non phân công giáo viên hỗ trợ đón trẻ, kiểm tra sức khỏe (đo thân nhiệt, rửa tay) và hướng dẫn trẻ vào lớp phù hợp với điều kiện, quy mô của đơn vị. Dành thời gian cho trẻ thích nghi với chế độ sinh hoạt tại trường, quan sát những biểu hiện tâm lý của trẻ, trò chuyện, tìm hiểu để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Sở yêu cầu tạm thời chưa tổ chức ăn sáng trong tuần đầu trẻ trở lại trường. Sinh hoạt với trẻ một số nội dung về giữ vệ sinh cá nhân và giữ gìn sức khỏe an toàn: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng; biết che miệng khi ho, hắt hơi; hướng dẫn trẻ biết trao đổi với giáo viên khi có các dấu hiệu: sốt, ho, mệt, khó thở…

Các cơ sở giáo dục mầm non cần chú trọng cộng tác phòng dịch khi đón học sinh đi học trở lại. Ảnh: Huyên Nguyễn

Chú ý sử dụng tối đa diện tích của phòng, lớp tạo sự thông thoáng; tận dụng các phòng chức năng, chia lớp, phân giáo viên trong tổ chức các hoạt động. Bố trí các hoạt động trong lớp, ngoài sân một cách hợp lý; hạn chế cho trẻ tiếp xúc giữa các khối, lớp.

Cơ sở giáo dục thường xuyên trao đổi với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ về thông tin sức khỏe của các thành viên trong gia đình trẻ; phối hợp thực hiện các nội dung phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Tuyên truyền, nhắc nhở cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ rời khỏi trường ngay sau khi đưa và đón trẻ đồng thời đảm bảo nguyên tắc 5K.

Đi học theo cấp độ dịch

Ở cấp độ 1, các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo chế độ sinh hoạt của Chương trình Giáo dục mầm non. Xây dựng và thiết kế môi trường giáo dục mang tính mở; sắp xếp đồ dùng, đồ chơi đảm bảo cho trẻ hoạt động và dễ vệ sinh, khử khuẩn. Chia nhỏ các nhóm trẻ khi tổ chức các hoạt động.

Cấp độ 2, trẻ 25-36 tháng tuổi, trẻ mẫu giáo từ 3-6 tuổi sẽ 100% đến trường.

Các khối, lớp tổ chức cho trẻ ăn bán trú theo khung thời gian quy định; hạn chế sử dụng một số đồ chơi bằng nguyên vật liệu mở: lõi giấy, chai nhựa, vải…; hạn chế dán các bài tập trên tường. Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông trẻ. Không tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường như: tham quan nhà sách, siêu thị, bưu điện, công viên…

Cấp độ 3, trẻ mẫu giáo từ 4-6 tuổi 100% đến trường. Các trường không tổ chức dịch vụ ăn sáng; hạn chế một số hoạt động ngoại khóa: bơi, vẽ, võ, thể dục nhịp điệu…; Không tổ chức các hoạt động: lễ hội, sự kiện, tổ chức ăn với hình thức tự chọn (buffet).

Cấp độ 4, trẻ tạm ngừng đến trường. Nhà trường gửi các clip về hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tạo điều kiện cho cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại nhà. Trong đó, chú ý đảm bảo kết quả mong đợi đối với các độ tuổi, đặc biệt là trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Khi chuyển cấp độ dịch các cơ sở giáo dục mầm non cần bình tĩnh, chủ động hướng dẫn thực hiện các phương án cụ thể theo kịch bản phù hợp với tình hình tại cơ sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn