MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TPHCM đã dừng tuyển lớp không chuyên ngay từ năm học 2022-2023. Ảnh: Huyên Nguyễn

Tranh luận bỏ lớp thường và triết lý giáo dục của trường chuyên

HUYÊN NGUYỄN LDO | 21/10/2022 13:04
Đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên của Bộ GDĐT đang nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý bởi lâu nay việc này đang gây nhiều lẫn lộn trong đào tạo, tuyển chọn người tài.

Bộ GDĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên (trường chuyên). Điểm đáng lưu ý trong dự thảo là quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Lớp học trong trường chuyên phải được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng GDĐT ban hành, gồm: Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.

Đề xuất trên được đưa ra bởi thực tế hiện không ít các trường chuyên có các lớp cận chuyên, lớp chất lượng cao dành cho học sinh không đủ điểm trúng tuyển vào lớp chuyên.

Chia sẻ với Lao Động về đề xuất này, ThS Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ GDĐT “xóa” lớp thường trong trường chuyên.

Theo ông Phú, không nên để lẫn lộn nhiều hệ trong trường chuyên, phải rõ ràng vì một em lớp thường nhưng nếu học trong trường chuyên sẽ vẫn mang phù hiệu trường chuyên. Cùng với đó, chúng ta phải sử dụng ngân sách nhà nước đúng mục tiêu và đúng con người thụ hưởng.

“Trường chuyên phải hiểu đúng là nơi bồi dưỡng nhân tài cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt ở tất cả các môn văn hóa”, ông Phú nhận định. Đồng thời, vị Hiệu trưởng nhấn mạnh thêm rằng không thể lấy học sinh trường chuyên cho tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học với học sinh trường thường.

Ngoài ra, theo ông Phú, chúng ta cũng cần xoá bỏ hình thức lớp chuyên trong trường thường vì làm vậy sẽ phân tán học sinh giỏi, hao tổn ngân sách của nhà nước, nhưng không có hiệu quả.

Trong khi đó, ThS Đinh Đức Hiền - giáo viên tại Hà Nội thì cho rằng cần thay đổi mô hình và triết lý đào tạo của trường chuyên chứ không phải chỉ là xoá lớp không chuyên.

Theo ông Hiền, trường chuyên phải thực sự là môi trường đào tạo tinh hoa theo đúng nghĩa chứ không phải nơi đào tạo "gà nòi" như hiện nay nhiều đơn vị đang thực hiện.

"Trường chuyên phải là đầu tàu đổi mới, mô hình, biểu tượng cho giáo dục địa phương. Thử hỏi bao nhiêu học sinh của trường chuyên đi thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, bao lâu nay chúng ta mặc định dùng con số ấy để đánh giá trường chuyên về thành tích. Vậy những học sinh còn lại ra sao, những tiêu chí khác sẽ như thế nào? Trường chuyên phải thực sự là môi trường đào tạo tinh hoa theo đúng nghĩa chứ không phải nơi đào tạo "gà nòi"", ông Hiền nhấn mạnh.

Theo ThS Đinh Đức Hiền, trong chương trình GDPT mới, học sinh cần và được phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất. Trường chuyên bên cạnh việc phát hiện bồi dưỡng những tinh hoa về lĩnh vực cụ thể thì cũng không thể đứng ngoài cuộc xu thế giáo dục để học sinh trở thành những công dân toàn cầu. Do đó, theo nam giáo viên thì việc xoá bỏ lớp không chuyên là không nên, mà nó phải trở thành mô hình chuẩn không chuyên chất lượng cao và hội nhập.

Ghi nhận thực tế của Lao Động, việc trường chuyên dừng tuyển lớp không chuyên cũng đã được Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện từ mùa tuyển sinh năm học 2022-2023.

Theo nhà trường lí giải, việc dừng tuyển lớp không chuyên là do trường thực hiện đề án tự chủ được Đại học Quốc gia TPHCM phê duyệt; thay thế vai trò của các lớp không chuyên bằng lớp chuyên theo lĩnh vực. Cách thức này cũng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng cho lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn