MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mầm non chuẩn bị để đón trẻ mầm non đến trường từ ngày 13.4

Trường mầm non "săn" giáo viên trở lại làm việc, chấp nhận trả lương cao

Tường Vân LDO | 10/04/2022 19:00

Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, khi sắp được mở cửa trở lại, bên cạnh việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, giải bài toán thiếu trầm trọng “giáo viên cơ hữu” là vấn đề nan giải của không ít trường, đặc biệt khối mầm non dân lập, tư thục tại Hà Nội

Thiếu giáo viên trầm trọng

Bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trường mầm non tư thục đều rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn, không thể chi trả tiền thuê mặt bằng, nhiều giáo viên gặp khó buộc phải xin nghỉ việc hẳn, chỉ còn rất ít cô cố bám trụ với nghề.

Giải bài toán thiếu trầm trọng giáo viên là vấn đề đặt ra với không ít trường tại Hà Nội khi thành phố thông báo trẻ mầm non được đến trường từ ngày 13.4 tới. Nhiều chủ trường chia sẻ, họ sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn, thậm chí hạ yêu cầu, chỉ mong có nhân sự.

Dù đã đăng tin tuyển dụng lên khắp các hội nhóm với mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn so với trước kia nhưng chị Tiêu Thị Trang - Chủ trường mầm non Song Ngữ SUN Village, quận Hà Đông vẫn chưa tuyển đủ người.

Trường mầm non của chị có tất cả 3 cơ sở tại các quận khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do dịch bệnh, 1 cơ sở không thể trụ được, buộc phải đóng cửa. 

Giáo viên mầm non tất bật dọn dẹp, chuẩn bị cho ngày hội “đưa trẻ đến trường“.

“Thời gian nghỉ dịch, các cô chuyển sang bán hàng online, nhân viên kế toán, thu ngân,.. với thu nhập trung bình từ 8-10 triệu. Trong khi đó, giáo viên cứng thu nhập cũng chỉ từ 6-8 triệu đồng/tháng, thời gian làm lại rất vất vả, từ 7h sáng đến 17-18h và nghề thì bấp bênh nên các cô đa số không muốn quay lại với nghề. Sắp đến ngày đón trẻ nhưng vẫn còn thiếu 3 giáo viên, tôi chưa biết phải xoay xở như thế nào” – chị Trang lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Hiếu - Chủ trường Mầm non Goldenkids (Hà Nội) cũng đang “đỏ mắt” tìm cách thu hút giáo viên mầm non ngay sau thông báo cho trẻ mầm non đi học lại vào ngày 13.4 tới.

"Thời gian đầu, các cô còn cố bám trụ với nghề bằng cách làm thêm, mở các nhóm trẻ tại nhà,... Nhưng đến hiện tại, có đến 50% giáo viên đã rời trường làm việc khác, ít có ai còn "mặn mà" với nghề" - chị Hiếu nói.

Giải bài toán kinh tế

Ngoài nhân sự, các chủ trường còn đau đầu với bài toán kinh tế khi sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học và đồ chơi bởi ròng rã gần 1 năm qua, trường không có bất kỳ nguồn thu nào. 

Thời gian nghỉ dịch, dù chị Trang đã bố trí giáo viên lau dọn thường xuyên nhưng rất nhiều giáo cụ Montessori làm từ gỗ ép bị hư hỏng cần thay mới. Các loại bếp gas, bếp từ, tivi, máy chiếu hay tủ sấy bát,... để không cả năm không rõ còn hoạt động được hay không.

“Thành phố thông báo thời gian đi học trở lại vào đúng dịp cuối tuần và nghỉ lễ. Do đó, chúng tôi không thuê được thợ đến thay thế, sửa chữa thiết bị. Đành phải lùi thời gian đón trẻ sau 1 tuần, tức ngày 19.4” – chị Trang chia sẻ.

Cũng như chị Trang, ngay khi có thông báo được đi học trở lại, chị Hiếu đã huy động toàn bộ nhân viên trong trường, người thân đến dọn dẹp, vệ sinh trường lớp cũng như sửa chữa, lắp đặt đồ dùng hỏng hóc, xuống cấp. Dù rất cố gắng nhưng đến ngày 14.3 tới đây, sẽ chỉ có 2 trên tổng số 3 cơ sở có thể hoạt động trở lại.

"1 cơ sở của trường ở khu vực quận Nam Từ Liêm gặp khó khăn về địa điểm. Gần 1 năm qua, học sinh không đi học, trường không có nguồn thu, chúng tôi đã phải chấp nhận bỏ tiền ra để giữ cơ sở, thậm chí bị ép giá lên cao hơn so với trước kia. Đến nay, khi vừa có thông báo đi học lại, chủ đầu tư lại yêu cầu thu hồi mặt bằng. Tìm được địa điểm mới đâu phải chỉ trong ngày 1, ngày 2. Thôi thì trước mắt, vẫn phải mở cửa 2 cơ sở còn lại và tiếp tục tìm giải pháp" - cô Hiếu than thở.

Chị Trần Thúy Nga, chủ nhóm lớp Mầm nhỏ ở quận Thanh Xuân - cũng đang gấp rút sửa sang cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học. Dù chưa tuyển đủ giáo viên, đến ngày 14.3, chị vẫn sẽ mở cửa đón trẻ tới lớp.

“Hiện nay có rất nhiều nhóm trẻ để phụ huynh lựa chọn. Họ đang trông chờ ngày con được đi học. Nếu đến ngày mình không mở cửa thì sẽ mất học sinh.

Tôi xác định số học sinh đi học lại sẽ chỉ đạt 30-40% ban đầu và cũng chưa đủ ngay giáo viên. Nhưng được đi học là mừng rồi. Tạm thời cứ mở cửa đã" - chị Nga nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn