MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trường mầm non "trở tay không kịp", buộc phải lùi thời gian mở cửa

Vân Trang LDO | 11/04/2022 11:09

Hà Nội quyết định cho trẻ mầm non đến trường vào ngày 13.4, thời gian khá gấp gáp nên nhiều cơ sở giáo dục mầm non không kịp chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất và nhân  sự buộc nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngậm ngùi lùi lịch mở cửa đón trẻ.

Chấp nhận lùi thời gian mở cửa sau 1 tuần

Mong ngóng ngày mở cửa trường học đã lâu, chị Bùi Hương Ly (trú tại quận Hà Đông) tỏ ra hào hứng khi thành phố thông báo trẻ mầm non được đến trường từ ngày 13.4 tới. Niềm vui chưa kịp hân hoan đã phải tạm dừng vì chị nhận được tin nhắn lùi lịch học từ phía giáo viên. Lý do là nhà trường cần thời gian để chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, tìm thêm giáo viên.

"Cũng phải thông cảm cho nhà trường vì thông báo khá gấp, lại rơi đúng vào ngày nghỉ lễ nên việc dọn dẹp, chuẩn bị trang thiết bị học tập cho các con có phần khó khăn. Theo thông báo của giáo viên, đến tuần sau nhà trường mới mở cửa đón trẻ" - chị Ly nói.

Tại Trường Mầm non Song Ngữ SUN Village (quận Hà Đông), sau gần 1 năm để không, mọi đồ dùng, trang thiết bị đều xuống cấp, hỏng hóc. Các giáo cụ bằng gỗ bị ẩm mốc cần thay thế, trang thiết bị cho nhà bếp, các thiết bị điện tử để không cũng không rõ còn sử dụng được hay không. Vì vậy, chủ trường Tiêu Thị Trang buộc phải chấp nhận lùi thời gian mở cửa sau 1 tuần để hoàn tất các đầu mục vệ sinh, dọn dẹp cơ sở vật chất.

“Thành phố thông báo thời gian đi học trở lại vào đúng dịp cuối tuần và nghỉ lễ. Vì vậy, chúng tôi không thuê được thợ đến thay thế, sửa chữa thiết bị. Tiền công thợ hiện nay rất đắt, trung bình 1 triệu đồng/ ngày. Chưa kể, họ không nhận sửa chữa đồ dùng mà gần như phải mua, thay mới toàn bộ nên rất tốn kém” – cô Trang chia sẻ.

Nhiều trường mầm non chấp nhận lùi lịch học do "trở tay không kịp". Ảnh: NVCC

Dù biết mở cửa trường học sau 1 tuần có thể khiến số lượng học sinh giảm sút, nhưng cô Trang đành chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác. Chủ trường Mầm non Song Ngữ SUN Village cho biết, nếu cơ sở chưa kịp sửa sang, dọn dẹp, phụ huynh đưa con đến chắc chắn sẽ không đồng ý cho con theo học. Ngược lại nếu không mở sớm, phụ huynh sẽ tìm đến các cơ sở khác. Vì vậy, những ngày này, toàn bộ giáo viên nhà trường không còn khái niệm ngày nghỉ lễ, chỉ tất bật dọn dẹp, mong đón trẻ đến trường sớm nhất.

"Đã cố thì phải cố thêm nữa"

Tháng 12.2021, cô Thảo Hương - chủ trường Mầm non KID’S PLACE (quận Cầu Giấy) bị nhà thầu "đòi lại" mặt bằng. Trong tình thế bị động, cô Hương xoay sở khắp nơi để tìm kiếm địa điểm mới. May mắn thay, cô tìm được mặt bằng vào đầu tháng 2.2022. Tuy nhiên, chuyển sang nơi mới, cô Hương gặp nhiều khó khăn trong việc sửa chữa, tuyển sinh. Vì phải tuyển sinh lại từ đầu, thiết kế lại cơ sở và mua sắm trang thiết bị mới.

"Chúng tôi chuyển cơ sở mới, phải sửa chữa rất nhiều, sơn sửa tường, trần cùng các thiết bị nội thất. Sửa xong lại trang trí, lắp đặt đồ dùng học tập của các con. Rồi đăng kí lại địa điểm, làm thang thoát hiểm… Hiện nay không có kinh phí, phải đi vay mượn để có tiền chi trả công thợ, đăng kí cơ sở.

Tôi hay dặn lòng, đã cố thì phải cố thêm nữa, không thể bỏ được vì đã đầu tư vào đây nhiều, bỏ là mất hết. Hơn nữa phụ huynh tin tưởng, các con yêu cô, yêu trường thì làm sao có thể bỏ" - cô Hương bộc bạch.

 Các trường học tích cực dọn dẹp, đẩy nhanh tiến độ, mong ngày đón trẻ trở lại trường. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, cô Hương cũng gặp khó khăn về mặt nhân sự vì trong thời gian nghỉ dịch, các cô phải tìm việc khác để mưu sinh. Theo đó, các cô sẽ có sự so sánh về mức thu nhập. Vì vậy, chủ trường Mầm non KID’S PLACE hy vọng có các chính sách về lương để các cô bám nghề.

"Hiện nay, đội ngũ giáo viên chỉ có 3,4 cô quay lại, còn lại phải tuyển thêm mới. Vẫn còn nhiều hạnh mục cần sửa chữa, rất mong hoàn thiện sớm nhất để có thể nhanh chóng đón trẻ đến trường" - cô Hương mong mỏi.

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Ngát – Trưởng Phòng GDĐT huyện Thanh Trì cho biết, ngày 12.4 sẽ tổ chức họp toàn bộ khối mầm non bao gồm cả công lập, dân lập, tư thục để nắm bắt tình hình, nguyện vọng của các cơ sở. Từ đó, đưa ra hướng hỗ trợ các trường khắc phục khó khăn còn tồn đọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn