MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện tại, nhiều tỉnh thành đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023. Ảnh: Trọng Nhân

Tuyển sinh lớp 10: Ôn thi vất vả hơn thi đại học

Tường Vân LDO | 09/03/2022 17:25

Là một trong những địa phương “nóng” về tuyển sinh đầu cấp, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn chưa thông báo về các môn thi. Nhiều phụ huynh, học sinh ví việc ôn thi vào lớp 10 còn căng thẳng, vất vả hơn thi đại học. 

"Vật vã" ôn thi lớp 10

Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Phương Anh (Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra vô cùng sốt ruột vì chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là học sinh bước vào kỳ thi vượt cấp quan trọng.

Theo chị Phương Anh, chỉ tiêu vào lớp 10 của nhiều trường công lập hạn chế. Muốn chen chân vào những trường này đòi hỏi học sinh phải có sự cạnh tranh gay gắt. Và để thực hiện mong muốn ấy chỉ còn cách nỗ lực học và cạnh tranh trong thi cử.

Tuy nhiên, năm học này, học sinh đã học online trong suốt thời gian dài khiến việc tiếp thu kiến thức và tâm sinh lí ít nhiều ảnh hưởng. Chứng kiến con học ngày, học đêm chị không khỏi xót xa và đặt câu hỏi:

“Con thi vào 10 mà lo hơn thi đại học, vì đại học không đỗ trường này sẽ học trường khác. Nếu trượt cấp 3 thì biết làm gì? Cánh cửa tương lai coi như khép lại.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vốn đã rất căng thẳng, áp lực, tại sao không giảm tải môn thi như một số địa phương đã thực hiện?".

Em Nguyễn Hải Phương Linh - học sinh lớp 9 tại Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ rằng, gần như tất cả các ngày trong tuần, lịch học của em dày đặc từ 7h sáng đến 9, 10h tối. 

Nhiều học sinh bày tỏ nguyện vọng được đến trường học trực tiếp để thuận tiện ôn thi vào lớp 10. Ảnh: Tường Vân

“Em học thêm 3 môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh. Toán và Ngữ văn mỗi môn 2 buổi/tuần. Riêng Tiếng Anh em học kém hơn nên đầu tư 4 buổi 1 tuần. Có những ngày 10 giờ tối em mới kết thúc việc học thêm nên gần như không có thời gian ôn luyện các môn còn lại. Khi nào có thông báo về môn thi thứ 4, em sẽ phân bổ lại thời gian sau” – Phương Linh chia sẻ.

Với nguyện vọng thi chuyên và một trường THPT công lập top 2 trên địa bàn, Phương Linh nói, dù áp lực, vất vả cũng phải cố ôn luyện để không bỏ lỡ cơ hội.

“Mệt, em thực sự rất mệt. Học online khiến em cảm giác mọi lời nói của cô cứ thế trôi đi, không đọng lại trong đầu. Em đi học trực tiếp được đúng 1 tuần trọn vẹn là phải chuyển sang học trực tuyến vì có nhiều bạn bè, thầy cô là F0. 3 môn đối với em đã quá vất vả nên em mong Hà Nội sẽ bỏ môn thi thứ 4” – Phương Linh nói.

3 môn đủ đánh giá năng lực học sinh

Nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giữ nguyên phương án thi tuyển lớp 10 bằng 4 môn như hằng năm là tư tưởng cứng nhắc.

Cô Nguyễn Thị Hoa Quý - giáo viên Trường THCS - THPT Newton (Hà Nội) cho rằng, 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh tiêu biểu cho 3 phương diện: Ngôn ngữ Tiếng Anh cho thời kỳ hội nhập toàn cầu; tư duy logic - Toán - đánh giá IQ; tư duy hình tượng - Văn - phản ánh tâm hồn, cảm xúc.... Như vậy, 3 môn giúp đánh giá tương đối tổng thể về tư duy, kiến thức, năng lực của người học.

"Việc thi môn thứ tư đúng là giúp các con có thêm động lực để học đều các môn nhưng chỉ là phần nào thôi. Vì học sinh sẽ chỉ lĩnh hội kiến thức nếu thực sự có niềm yêu thích, đam mê với môn khoa học đó. Nếu lấy việc thi làm áp lực thì đó chỉ là sự miễn cưỡng, học đối phó, không hình thành được kiến thức thực chất, chắc chắn" - cô Quý nói.

Ngoài ra, cô Quý cho rằng, lý do quan trọng nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại thì cần phải hài hòa các mục tiêu và không gây áp lực lên tâm lý học sinh.

Đến nay, đã có nhiều địa phương công bố phương án thi tuyển lớp 10 với 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Một số địa phương như Ninh Bình, Hưng Yên còn tổ chức thêm bài thi tổ hợp ngoài những môn cơ bản. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý giáo dục khẳng định, cách thi nhiều môn cho kỳ thi vượt cấp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay sẽ làm tăng áp lực không cần thiết lên học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn