MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để giảm áp lực cho học sinh.

Tuyển sinh lớp 10: Thi 4 môn để tránh học lệch có còn phù hợp?

Tường Vân LDO | 10/03/2022 16:10

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng quan điểm thi 4 môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để tránh học lệch là không còn phù hợp trong điều kiện dạy học hiện nay.

Thi môn thứ 4 để tránh học lệch, học tủ

Tại Hà Nội, theo quy định, học sinh sẽ thi 3 môn bắt buộc là Toán, Tiếng Anh, Ngữ Văn và 1 môn tự chọn. Môn thi này sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên và công bố vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, học sinh học phải học trực tuyến, nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh bày tỏ nguyện vọng bỏ môn thi thứ 4 nhằm giảm áp lực cho học sinh.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II (năm học 2021-2022), đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cho biết: Ngoài ba môn thi bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ, học sinh sẽ biết môn thi thứ tư vào tháng 3. Đây là quy định đã được duy trì trong những năm gần đây. Nếu công bố sớm môn thi thứ tư, học sinh không học các môn không thi, dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học.

Thi 3 môn hay 4 môn không giải quyết được gốc vấn đề

Đến thời điểm này rất nhiều tỉnh thành chỉ lựa chọn 3 môn cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu rằng môn thi thứ 4 có quan trọng đến vậy?

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Châu – Giám đốc Sở GDĐT Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, tình hình chung tại các địa phương trên cả nước là thi gì học đó, chương trình vẫn tập trung, chú trọng vào 3 môn chính Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh. Vậy nên, việc thi 3 hay 4 môn cũng không có nhiều sự khác biệt về ý nghĩa, chủ yếu giải bài toán tuyển sinh lớp 10.  

Để tránh tình trạng học lệch cũng như hạn chế tình trạng học thêm, dạy thêm, bà Châu cho rằng, tương lai cần hướng đến việc kiểm tra đầu vào theo bộ đề thi đánh giá năng lực như 2 Đại học Quốc gia hiện nay thực hiện.

"Muốn toàn diện cần có bài thi mang tính toàn diện. Tất cả các môn đều có trong bộ câu hỏi mà các em phải học đều từ lớp 6 đến lớp 9. Bài thi đánh giá toàn diện để các em đảm bảo đủ kiến thức cơ bản, đảm bảo đầu vào cấp THPT. Để làm được điều đó, Bộ GDĐT phải vào cuộc, hướng dẫn để các địa phương thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Quan điểm của Bà Rịa - Vũng Tàu là trước mắt, vẫn giữ 3 môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh để tránh áp lực cho các học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay" - bà Châu nói.

Cùng quan điểm như trên, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Nghệ An nói rằng, theo thông lệ, môn thứ 4, bao giờ cũng phải đầu tháng 4 mới bốc thăm lựa chọn để tránh việc học tủ học lệch.

Tuy nhiên, việc học tủ, học lệch là do chỉ đạo, quản trị của nhà trường. Tại tỉnh Nghệ An, để làm tốt điều này, Hiệu trưởng, giáo viên phải ký cam kết đảm bảo chất lượng đầu vào, chất lượng dạy học, đầu ra theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông 2018… 

"Bản chất dạy học phát triển năng lực người học là phát hiện, điều chỉnh, uốn nắn những sai lệch trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Việc đánh giá năng lực học sinh thông qua cả quá trình học tập, rèn luyện chứ không phải dựa vào môn thi cuối cấp" - vị này cho biết. 

Được biết, tại tỉnh Nghệ An, năm 2020-2021, trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài, địa phương quyết định giảm còn 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh để giảm áp lực lên học sinh.

"Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đánh giá 3 môn Toán, Văn, Anh đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực, đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh. Quan trọng nhất, phụ huynh, học sinh đều đồng thuận với phương án tuyển sinh nên trên. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tỉnh thành duy trì 3 môn thi vào lớp 10 trong nhiều năm trở lại đây" - lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Nghệ An nêu quan điểm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn