MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ mầm non, tiểu học là đối tượng chưa được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Huyên Nguyễn

Xác định đúng F1 trong trường học, tránh tình trạng đóng - mở liên tục

Huyên Nguyễn LDO | 18/02/2022 13:45

Học sinh chưa tiêm vaccine, được xác định là F1 phải cách ly trong 14 ngày. Điều này khiến không ít phụ huynh lo ngại việc học của trẻ có thể phải chuyển trạng thái "đóng - mở" liên tục bởi xác định sẽ không có “zero COVID” trong trường học được.

Băn khoăn quy định cách ly

Chị Phạm Hải Yến (công tác trên địa bàn quận 3, TPHCM) lo lắng khi nhận tin con mình là F1 phải cách ly tại nhà. Theo chị Yến, lớp học có 1 ca F0, dù con chị không tiếp xúc gần F0 nhưng nhà trường vẫn thông báo cả lớp nghỉ học. “Xác định đi học sẽ có ca F0 trong lớp. Vậy cứ có F0 cả lớp lại phải nghỉ học như vậy thì sẽ phải chuyển trạng thái "on-off" liên tục. Như vậy vô cùng bất tiện”.

Tính từ ngày 14.2 đến 16.2, TPHCM đã ghi nhận 163 học sinh mắc COVID-19. Các quy định, hướng dẫn của ngành giáo dục và y tế về xử lý trường hợp học sinh F0, F1 có độ vênh với nhau và chưa phù hợp với thực tế khiến các đơn vị băn khoăn khi thực hiện.

Ông Trịnh Văn Thanh - Phó Trưởng phòng GDĐT quận Gò Vấp cho biết sau khi mở cửa trở lại, các trường tiểu học, mầm non đang rất băn khoăn khi xử lý trường hợp học sinh F1. Quy định của ngành Y tế, học sinh F1 chưa tiêm vaccine, dù có kết quả test nhanh âm tính vẫn phải ở nhà 14 ngày. Điều này rất khó, gây ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ và tạo tâm lý bất an cho phụ huynh.

“Chúng ta đã vận động cho học sinh đến trường nhưng khi lớp có F0, các em phải cách ly 14 ngày, gián đoạn học tập. Chúng tôi rất trăn trở nên đã trao đổi với y tế và quận. Sau khi trao đổi, chúng tôi tạm thời thực hiện theo theo phương án nếu phát hiện lớp có F0, tất cả các em F1 đều được test nhanh. Nếu âm tính các em tiếp tục học bình thường, nếu dương tính thì xử lý như trường hợp F0", ông Thanh nói.

Khu vực cách ly F0, F1 trong trường học tại TPHCM. Ảnh: Huyên Nguyễn

Phó Trưởng phòng GDĐT quận Gò Vấp cho biết thêm với những trường hợp F0 được phát hiện ở nhà, buổi học sau nhà trường cho test nhanh những học sinh trong lớp ngay khi các em vừa tới cổng trường. Nếu kết quả âm tính, các em vào học bình thường, còn nếu dương tính nhà trường sẽ báo phụ huynh đến đón.

"Tôi rất mong chúng ta sớm có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất, nếu không mỗi nơi mỗi khác. Chúng ta đã mất thời gian, công sức để vận động phụ huynh đưa con đến trường, phải giữ việc học ổn định để phụ huynh yên tâm", đại diện Phòng GDĐT Gò Vấp chia sẻ.

Đây cũng là điều băn khoăn của ông Lê Thành Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bông Sao (quận 8). Ông Sơn cho rằng trong bối cảnh hiện nay, học sinh được đến trường là điều rất cần thiết và cần được duy trì ổn định. Việc đến trường không ổn định sẽ ảnh hưởng đến thời lượng, chất lượng dạy học, dẫn đến nguy cơ học sinh thiếu hụt kiến thức, mất gốc. Nếu không điều chỉnh quy định cách ly học sinh F1, tình trạng lớp học phải chuyển "on-off" sẽ diễn ra liên tục, khó chấm dứt.

Cần linh hoạt trong xác định F1

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết Sở Y tế cùng với Sở GDĐT đang giám sát chặt học sinh trong các trường qua tầm soát lấy mẫu ngẫu nhiên; đồng thời, quan sát các trường, khu vực có ca dương tính để xử lý kịp thời.

Bà Mai lưu ý với nhóm mầm non, tiểu học cần phải đặc biệt chú ý đến cô giáo, bảo mẫu vì đây là nhóm có thể lây nhiễm cho trẻ. Trong khi đó, trẻ em không duy trì được việc đeo khẩu trang như người lớn.

Cán bộ trường học hướng dẫn học sinh rửa tay sát khuẩn khi đi vào lớp. Ảnh: Huyên Nguyễn 

Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT TPHCM thừa nhận một số đơn vị cũng đang lúng túng trong chuyện xác định và cách ly F1 bởi quy định và thực tế làm đang có sự vênh nhau.

Trong tuần qua, ngành GDĐT và ngành Y tế đang thảo luận, xây dựng quy định mới xác định F1 trên tinh thần đảm bảo việc học tập của học sinh được diễn ra liên tục, ít bị xáo trộn nhất khi mà tình huống F0 xảy ra trong trường học.

Ông Trọng cho hay một số địa phương, trung tâm y tế, trạm y tế đã linh hoạt trong xác định F1 để thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, duy trì tối đa việc học cho học sinh, đặc biệt là khối tiểu học. Ngành Giáo dục TPHCM cũng đã chỉ đạo các cơ sở phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở để đưa ra chỉ dẫn cụ thể phù hợp với diễn biến thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn