MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bộ GDĐT

Xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng viên theo năng lực

Trang Hà LDO | 26/08/2023 20:57

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Ngày 26.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã đề cập tới các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tích cực triển khai trong năm học tới.

Đầu tiên, Thứ trưởng nhắc tới việc nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan tới giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học; hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống văn bản quy chế nội bộ; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (nội bộ và từ cơ quan quản lý nhà nước).

Tiếp đó, các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên (nhất là tranh thủ các cơ hội để đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp dạy và học), xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng viên theo năng lực và hiệu quả.

Đặc biệt, các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024 (khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu), chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình GDPT 2018, tăng cường hợp tác trên một nền tảng chung.

Tổ chức thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, xây dựng, ban hành và thực hiện các chuẩn cơ sở đào tạo của các khối ngành/nhóm ngành; tăng cường công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động, nhất là các chỉ số cốt lõi.

Tập trung, xây dựng và hoàn thiện các đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu như khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật công nghệ, sức khoẻ nông lâm ngư nghiệp, văn hoá nghệ thuật…. Trong đó, cần đề xuất các cơ chế tài chính cụ thể để hỗ trợ người học...

Tăng cường hợp tác trong mạng lưới; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, gắn kết đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của địa phương….

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các đơn vị thuộc Bộ GDĐT nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ, trong đó nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu; hoàn thiện các đề án, chương trình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Theo đánh giá của Bộ GDĐT, nguồn lực dành cho giáo dục đại học ở Việt Nam còn rất hạn chế. Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỉ đồng, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỉ. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn