MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Phan Thị Mỹ Thanh (Ảnh: HĐND tỉnh ĐN)

Bà Phan Thị Mỹ Thanh mới bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng

Xuân Hải LDO | 04/07/2017 18:14
Liên quan đến việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, đó mới là hình thức kỷ luật về mặt Đảng; còn về mặt chính quyền, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục xem xét để xử lý.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - cho biết: Công tác xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm trước tiên phải xử lý về mặt Đảng, sau đó mới tiếp tục xử lý về mặt chính quyền. Các mức xử lý kỷ luật về mặt Đảng như khiển trách, cảnh cáo, cách chức và nặng nhất là khai trừ khỏi Đảng.

“Tôi cho rằng, bà Phan Thị Mỹ Thanh là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trước tiên bị kỷ luật về mặt Đảng với hình thức cảnh cáo, còn tiếp theo các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục xem xét để xử lý về mặt chính quyền tùy theo mức độ vi phạm” – ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng lưu ý: Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy những khuyết điểm của bà Thanh là nghiêm trọng, do vậy tôi cho rằng, phải xử lý nghiêm cả về mặt chính quyền như vậy mới đủ sức răn đe. Không được giơ cao đánh khẽ sẽ dẫn đến “nhờn” luật. Việc xử lý nghiêm cán bộ có chức có quyền vi phạm cũng là để siết chặt kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nói về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho rằng những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật, ông Phúc cho rằng, bà Thoa là Ủy viên ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đây là chức vụ do Ban Bí thư trực tiếp quản lý.

“Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa. Kết luận này sẽ được báo cáo lên Ban Bí thư và cơ quan này sẽ họp và ra quyết định thi hành kỷ luật với bà Thoa. Đây là quy trình xử lý cán bộ vi phạm theo quy định của Đảng. Còn về mặt chính quyền, việc quyết định thi hành kỷ luật đối với người giữ chức vụ Thứ trưởng là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ” – ông Phúc nói.

Các hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.

Theo ông Phúc, thông thường, trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vi phạm của tổ chức, cá nhân nào đó, nếu thẩm quyền ra quyết định thi hành kỷ luật thuộc cơ quan cao hơn thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ đề nghị hình thức thi hành kỷ luật. Tuy nhiên, đối với trường hợp vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa, trong kết luận chưa thấy Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị hình thức thi hành kỷ luật.

“Khi vụ việc này được trình lên, Ban Bí thư có thể sẽ có bổ sung đề nghị hình thức thi hành kỷ luật. Trên cơ sở đó, Ban Bí thư sẽ xem xét và đưa ra hình thức thi hành kỷ luật tương xứng với vi phạm, khuyết điểm của cá nhân bà Hồ Thị Kim Thoa” – ông Phúc nói.

Vào đầu năm 2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Bà Thoa được cho là có trách nhiệm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định; thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.

Trước khi trở thành Thứ trưởng Công Thương bà Hồ Thị Kim Thoa từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang từ tháng 1.2004 đến năm 2010.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn