MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: XUÂN HẢI

Bác Hồ bác đơn xin ân xá của đại tá Trần Dụ Châu là để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng

XUÂN HẢI - TRẦN VƯƠNG LDO | 19/05/2017 09:56
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc đã nói như vậy với Lao Động nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2017), về việc Bác Hồ đã rất quyết tâm trong việc xử lý cán bộ đảng viên cấp cao mắc khuyết điểm, vi phạm qua việc bác đơn xin ân xá của đại tá Trần Dụ Châu - nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết:

- Năm 1947, Bác Hồ ký quyết định bổ nhiệm ông Trần Dụ Châu làm Cục trưởng Cục Quân nhu. Cục Quân nhu lo toàn bộ hậu cần cho quân đội, quản lý tiền, tài sản do nhân dân đóng góp cho cách mạng, làm nhiệm vụ giữ ngân sách nhà nước.

Thời điểm đó, ông Trần Dụ Châu được giao một khối tài sản lớn của quân đội, cũng là của quốc gia, đất nước, nhưng ông đã vi phạm về mặt đạo đức, quản lý không tốt, bớt xén của bộ đội để dùng vào việc riêng. Theo tài liệu lưu giữ thì những thất thoát đó rất lớn trong khi cuộc kháng chiến đang rất khó khăn, gian khổ.

Từ năm 1946-1950, đất nước cực kỳ gian khổ, thiếu thốn. Trong khi đất nước khó khăn như vậy mà ông Trần Dụ Châu lại vi phạm. Vi phạm của ông Trần Dụ Châu lúc đó là hết sức nghiêm trọng, không những vi phạm trong quân đội mà còn vi phạm kỷ luật cả trong Đảng, dư luận lúc đó đã rất bức xúc và lên án hành vi của ông Trần Dụ Châu. Cuối cùng thì Tòa án quân sự đã tuyên phạt Trần Dụ Châu mức án cao nhất là tử hình. Khi đó, Bác Hồ đã suy nghĩ rất nhiều trước việc giữ nghiêm kỷ cương phép nước, kỷ luật Đảng và việc xử lý về mặt nội bộ tình cảm. Vì ông Châu là một đảng viên, một cán bộ quân đội cao cấp của Nhà nước. Bác đã phải cân nhắc rất nhiều và cuối cùng Bác Hồ đã bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu.

Thưa ông, từ việc Bác Hồ bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu đã có ý nghĩa như thế nào đối với tình hình đất nước thời điểm đó và đến nay?

- Trong vụ Trần Dụ Châu, có nhiều bài học về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước liên quan đến vấn đề đạo đức của cán bộ đảng viên. Và Bác Hồ đã nhấn mạnh mấy điều sau: Thứ nhất, đó là bài học về công tác lựa chọn cán bộ. Bác Hồ cũng nhắc chuyện năm 1947 đã lựa chọn ông Châu đưa vào vị trí quản lý nhiều tài sản vật chất như vậy là cũng chưa thấu đáo, chưa hiểu hết cán bộ, chưa hiểu hết con người. Cho nên bài học về lựa chọn cán bộ để đưa vào đúng công việc đối với từng người là rất quan trọng. Bởi vì sau khi lựa chọn người, nhưng cuối cùng giao cho người ta khối tài sản lớn như vậy dễ làm cho con người trở lên tham lam.

Thời điểm đó, Bác Hồ luôn nêu những tính xấu của con người là: Tham lam, gian xảo, lười biếng. Nếu người nào bị ba tính xấu chi phối thì rất dễ sai phạm. Theo tôi, bài học về công tác lựa chọn cán bộ hiện nay càng trở nên có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài ra, một bài học nữa mà Bác Hồ cũng tổng kết tại hội nghị đó là khi đã lựa chọn và giao quyền cho cán bộ rồi thì phải thường xuyên giáo dục, tư cách đạo đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ với công việc mà mình phụ trách. Chỉ cần lơ là giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, đức hy sinh, lòng trung thành… là con người có thể phạm sai lầm, sa ngã ngay. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã nói: Lãnh đạo có 3 điều chủ yếu. Một là quyết định vấn đề cho đúng. Hai là tổ chức thực hiện cho tốt. Và ba là kiểm tra, kiểm soát. Những bài học về kiểm tra, giám sát hết sức 
quan trọng.

Mới đây Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã thống nhất cao về việc xử lý đối với cán bộ cấp cao đang đương chức có khuyết điểm, vi phạm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trong lịch sử Đảng ta cũng đã có nhiều lần xử lý cán bộ cao cấp. Ngay cả trong thời kỳ đổi mới, có tới hai Ủy viên Bộ Chính trị bị cách chức như ông Trần Xuân Bách, ông Nguyễn Hà Phan, cho thôi các chức vụ trong Đảng. Theo tôi đây là hình thức kỷ luật cần thiết, là một công việc rất bình thường của Đảng. Để giữ nghiêm kỷ luật Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng thì bất kỳ đảng viên nào sai phạm là phải xử lý, dù người đó đang giữ bất cứ chức vị cao hay thấp.

Theo ông, việc xử lý cán bộ đương chức cấp cao như vậy, có ý nghĩa như thế nào nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ?

- Việc này đã thể hiện không có việc Đảng xử lý cán bộ đảng viên vi phạm theo kiểu “nhẹ trên, nặng dưới”. Điều này củng cố niềm tin của cán bộ đảng viên, của nhân dân. Đảng xử lý nghiêm minh chứ không bao che.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Kỷ luật như vậy chính là để răn đe, phòng ngừa, giáo dục đảng viên.

Nghe câu nói này tôi nhớ lại câu nói của Bác Hồ năm 1945. Bác nói: 6 căn bệnh của cán bộ đảng viên có chức, có quyền đó là: Tư túng, trái phép, cậy thế, hủ hóa, chia rẽ, kiêu ngạo. Vì công việc chung mà tôi phải nói. Khi nói những điều như vậy để ai mà vi phạm thì phải quyết tâm sửa chữa. Nếu ai mà chưa vi phạm thì biết đó mà tránh.

- Xin cảm ơn ông! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn