MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong (Ảnh: Q.H)

“Cán bộ điều tra của Viện kiểm sát vẫn còn bắt tội phạm bằng dây thừng”

Xuân Hải LDO | 17/09/2016 07:25
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong đã nói như vậy khi cho ý kiến vào dự Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 16.9.
Sử dụng vũ khí sai mục đích là có nhưng không nhiều
Cho ý kiến vào dự luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Mai Bộ cho biết, về quy định nổ súng một số ý kiến cho rằng, quy định nổ súng như dự thảo Luật chưa cụ thể, còn chung chung khó vận dụng trong thực tiễn; một số trường hợp cụ thể người thi hành công vụ không thể nhận biết. Do đó đề nghị quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời đề nghị cân nhắc việc mở rộng tình huống nổ súng (đối với đối tượng phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng) để quy định phù hợp với chính sách xử lý hình sự. 
“Đa số ý kiến tán thành với quy định nổ súng như dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bám sát các quy định về tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng trong Bộ luật hình sự và các ý kiến trên để quy định bảo đảm chặt chẽ hơn”-ông Bộ nói.
Nhấn mạnh đây là Luật quan trọng tác động đến quyền sống, tác động đến sức khỏe của con người, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Báo cáo tổng kết chỉ nghiêng về quản lý chưa có đánh giá sử dụng như thế nào? các trường hợp được nổ súng trong thời gian qua có vấn đề gì không?. Báo chí và người dân trong thời gian qua phản ánh rất nhiều, có những cá nhân lạm dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, và thực tế cũng có trường hợp bị xử lý như vụ Kim Nỗ tại huyện Đông Anh nhưng báo cáo không đề cập đến. Mảng sử dụng chưa tổng kết thì quy định trường hợp nổ súng là khó khăn.
Trong khi đó, theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, thì tiêu chuẩn trách nhiệm của người sử dụng vũ khí trong đó có tiêu chuẩn đủ phẩm chất đạo đức và sức khỏe và trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị quản lý kho sử dụng vũ khí. Vậy phải kiểm tra sức khỏe hay chỉ cần nghe người ta nói đủ sức khỏe là được?
Giải trình về vấn đề này, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, Trung tướng Nguyễn Công Sơn, cho biết, trường hợp cụ thể được nổ súng rất khó nên khó quy định được trong Luật vì trong chiến đấu vì an ninh quốc gia rất muôn hình vạn trạng. Cho nên không thể quy định hết được. Hạn chế trong sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, và công cụ nổi lên trong thời gian qua là nhiều anh em khi thì quá mạnh tay, khi thì bó tay. Khi cần nổ súng thì không nổ, khi không cần thiết lại nổ súng do trình độ nghiệp vụ của anh em.
Trả lời về việc những người được giao sử dụng vũ khí có được khám sức khỏe hay không?, Trung tướng Sơn nói: “Hiện có khoảng 200-330 ngàn người được giao vũ khí quản lý để chống các loại tội phạm. Tuy nhiên có quy trình, quy định tập huấn nắm vững tính năng kỹ thuật nguyên tắc quá trình sử dụng. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, xem đồng chí nào đang có tâm tư thì thận trọng trong giao nhiệm vụ. Tuy nhiên sử dụng vũ khí sai mục đích là có nhưng không nhiều”.
Chưa thoải mãn với phần trả lời, bà Nga tiếp tục nêu vấn đề: Bây giờ quan trọng là thực tế sử dụng có vấn đề gì không? trong 4 năm thực tế sử dụng có vấn đề gì không?  đã tổng kết chưa? chưa tổng kết thì làm sao quy định được trong Luật?. Bộ luật Hình sự nói phòng vệ chính đáng đối với người đang có hành vi xâm phạm, nhưng Luật nói nổ súng trong trường hợp đe dọa đến tính mạng và sức khỏe. Vậy đe dọa và xâm phạm có khác nhau không? Bây giờ Ban soạn thảo phải trả lời được câu hỏi các xung đột giải quyết thế nào? 
“Tủi thân” vì không được trang bị vũ khí
Cho ý kiến vào dự luật, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết, luật chưa quy định lực lượng điều tra của Viện kiểm sát được trang bị vũ khí nên khi làm nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn.
“Đã là tội phạm dù là tội phạm cổ cồn, đặc biệt đối tượng tội phạm là điều tra viên cấp huyện, cấp tỉnh, viện kiểm sát viên hoặc là thẩm phán cấp tỉnh thì là giống nhau, nhưng cách chống trả tinh vi hơn. Như làm vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), khi bắt đối tượng phạm tội Lý Nguyễn Chung ở trong miền Nam thì mất cả tháng mà không có gì cả. Vũ khí không có, còng số 8 thì là còng cũ.
“Có lần tôi đã báo cáo UBTVQH là có tình trạng điều tra Viện kiểm sát bắt người bằng dây thừng. Đây là điều rất thật! Nếu như không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, thì nguy hại trực tiếp đến lực lượng điều tra viên của Viện KSND Tối cao. Nếu không được trang bị vũ khí sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi đề nghị nghiên cứu chỗ này, chứ không rất tủi thân. Năm 2013 tôi đã đề nghị rồi nhưng bị quên, tại phiên họp mới đây Thủ tướng cũng đồng ý cần trang bị vũ khí cho lực lượng điều tra của Viện kiểm sát” - ông Phong nói.

Đồng quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đối với lực lượng điều tra của Viện kiểm sát cần được trang bị vũ khí, vì lực lượng này luôn đối diện với các đối tượng phạm tội nguy hiểm, trong khi đó lực lượng này chỉ có hơn 100 người. 

Clip Phiên họp của Ủy ban thường vụ QH.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn